Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 6-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những mặt đã làm được của ngành giáo dục trong thời gian qua.
Vi phạm đạo đức gây bức xúc
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. "Vẫn còn tình trạng vi phạm đạo đức gây bức xúc trong xã hội. Một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức, nâng điểm, ngược đãi học sinh. Đó là những vấn đề cần quan tâm, dành thời gian nhiều hơn để khắc phục" - Thủ tướng khẳng định.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT phải rà soát lại chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong các trường sư phạm, cơ sở GD-ĐT, bảo đảm thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả, bảo đảm số giờ và các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác. "Giáo dục đạo đức lối sống không chỉ trong trường mà đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Thầy cô gương mẫu là tấm gương đạo đức quý báu nhất để học sinh noi theo" - Thủ tướng khẳng định. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên để triển khai trong năm học mới này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị quan trọng của ngành giáo dục sáng 6-8 Ảnh: YẾN ANH
Liên quan đến đào tạo sư phạm, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, tập trung vào các trường ĐH sư phạm trọng điểm như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TPHCM, còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương. Ông nhấn mạnh các địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ hiện nay...
Mạnh dạn đóng cửa trường kém chất lượng
Tại đầu cầu TP HCM, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP HCM, nêu thực trạng hiện nay tỉ lệ người học ĐH ở Việt Nam là 28,3%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan 49,3%, Nhật Bản 63,6%, Hàn Quốc 93,8%, Mỹ 88,8%. Ông Đạt nêu dẫn chứng: Hằng năm, có khoảng 350.000 - 370.000 sinh viên nhập học trong tổng số khoảng gần 900.000 học sinh thi THPT quốc gia cùng năm. Như vậy, trung bình chỉ khoảng 40% học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia học tiếp ĐH.
Trong khi đó, với các chương trình đào tạo, ông Đạt cho rằng chương trình đào tạo cần tham khảo, cập nhật thường xuyên từ các nước tiên tiến đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động không biên giới. Vận động các doanh nghiệp (thuộc khu vực) thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trong việc phối hợp với các trường ĐH trong quá trình đào tạo tại trường cũng như ngoài nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Đạt cũng đề xuất giải pháp tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên bằng cách tăng cường gửi giảng viên, cán bộ quản lý đi nước ngoài đào tạo theo các chương trình, dự án, thu hút người giỏi trong và ngoài nước. Tăng cường công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng; đẩy mạnh việc tham gia xếp hạng ĐH khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường ĐH uy tín nước ngoài. Đồng thời, thường xuyên thực hiện việc theo dõi, tiếp nhận phản hồi của sinh viên sau tốt nghiệp để trên cơ sở đó thực hiện cải tiến, cập nhật chương trình đào tạo của mình.
Trong khi đó, GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng cần phải nhìn nhận rõ thực trạng giáo viên hiện nay đang như thế nào. "Chúng ta nên bình tĩnh, đừng khẳng định thừa giáo viên; thực tế là có thừa có thiếu" - ông Quân nói.
GS-TS Trần Hồng Quân cũng đề xuất, hiện nay số trường ĐH, CĐ của chúng ta không nhiều so với dân số. Số sinh viên bình quân trên vạn dân còn thấp. Việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH là hợp lý nhưng không nên nghĩ chúng ta thừa mà ép số lượng xuống.
Về giáo dục ĐH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn, phải được khắc phục sớm hơn trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế số hiện nay. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập trực trạng là nhiều trường hiện nay đang hạ điểm chuẩn, "vét" học sinh đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu… "Chúng ta không thể chấp nhận một tình trạng chất lượng đào tạo giáo dục ĐH, trung học thấp mà người ta thường hay kêu ca. Học ra để làm việc chứ không phải học ra có cái bằng tượng trưng nào đó do một cái trường kém chất lượng cấp.
"Tôi cũng yêu cầu các đồng chí trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài" - Thủ tướng chỉ đạo.
TP HCM muốn tăng mô hình tự chủ
Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, chia sẻ: Trong năm học 2018-2019, TP đã đưa vào sử dụng 977 phòng học (tăng 691 phòng học mới), TP tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến đưa vào hoạt động 1.364 phòng học mới.
TP HCM tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia bảo đảm an toàn, nghiêm túc. TP HCM tiếp tục nằm trong tốp 10 địa phương có kết quả thi tốt nhất, có điểm trung bình các môn thi xếp thứ 5 cả nước (tăng 4 bậc so với năm 2018), giảm gần 25% số học sinh có điểm thi dưới 5 so với năm trước. Đặc biệt, môn tiếng Anh, tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp có kết quả cao nhất cả nước với điểm trung bình 5,78.
Tuy nhiên, do đặc thù là một đô thị trung tâm nên TP HCM còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, theo ông Lê Thanh Liêm, TP đề nghị sớm điều chỉnh Thông tư liên tịch 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định cơ cấu tổ chức, bộ máy của các sở GD-ĐT tỉnh, thành phố và các phòng GD-ĐT quận, huyện… phù hợp địa phương.
Đặc biệt, đề nghị ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý để tiến hành thí điểm mô hình trường tự chủ, nhất là trong lĩnh vực tài chính và nhân sự. Đây là giải pháp hữu hiệu để thực hiện việc tinh giản biên chế, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa tham gia đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển giáo dục.
Tại TP HCM, trong thời gian qua, việc tạm dừng tuyển kế toán và y tế trường học gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Đây là đội ngũ quan trọng, cần thiết trong các nhà trường. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT nên quan tâm, nghiên cứu bổ sung biên chế đối với giáo viên tư vấn tâm lý và giám thị cho các nhà trường; giúp tăng cường công tác quản lý học sinh, bảo đảm các điều kiện để học sinh phát triển cân bằng trong môi trường an toàn, thân thiện.
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, Bộ GD-ĐT nên quan tâm hơn đến định biên và chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh, tin học cấp tiểu học. "Trong thời đại hội nhập và để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông, những giáo viên này hết sức cần thiết. Việc chưa có định biên hay chế độ tính tiết nghĩa vụ 23 tiết/tuần đối với giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học sẽ không thể thu hút được những thầy cô giáo giỏi" - ông Liêm nói.
5 nhóm giải pháp trong năm học mới 2019-2020
Theo Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, năm học 2019-2020, ngành giáo dục tiếp tục quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Trong đó, tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: 1. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; 2. Rà soát sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; 3. Giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; 4. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. 5. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Bình luận (0)