Thí sinh tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân - TPHCM phấn khởi vì đề thi không quá khó. Ảnh: Tấn Thạnh
Hơn 2.000 TS bỏ thi
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trưởng ban chỉ đạo kỳ thi, đề thi hai môn địa lý và lịch sử tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực của TS và dư luận xã hội. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với nội dung học tập và ôn luyện, bảo đảm vừa sức, kiểm tra được kiến thức cơ bản và có khả năng phân hóa trình độ TS. Ông Hiển khẳng định trong cả 2 buổi thi, không có hiện tượng tung tin thất thiệt và không có ý kiến thắc mắc gì về đề thi.
Tình trạng bỏ thi tiếp tục diễn ra. Số TS bỏ thi theo Bộ GD-ĐT là tương đương ngày thi thứ nhất, khoảng hơn 2.000 TS. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 42 TS, TP Đà Nẵng có 35 TS, tỉnh Quảng Nam có 59 TS... Báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết trong buổi thi môn địa, hệ THPT vắng 74 TS, hệ giáo dục thường xuyên vắng 224 TS; ở môn sử vắng 233 TS (bao gồm cả những TS được bảo lưu điểm).
Đề dài nhưng không khó
TS Hoàng Vy, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), nhận xét đề môn địa lý năm nay quá dài, không đủ thời gian làm bài. Ngoài ra, đề còn mang tính tổng hợp kiến thức cao nên khó đạt điểm cao. Còn TS Minh Hải, cũng ở hội đồng thi này, lại cho biết dù đề dài nhưng không khó, nếu biết tận dụng thời gian và làm bài một cách ngắn gọn, đủ ý thì nhiều khả năng đạt điểm 7, 8 với học sinh trung bình.
Trong lúc đó, TS Quang Nhựt ở hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cho biết đề môn địa lý chỉ yêu cầu nhớ và vận dụng kiến thức nên không cần phải học chuyên mà học căn bản cũng làm được bài. Một TS khác của Trường THPT Lương Thế Vinh (TPHCM) cho rằng các câu lý thuyết gần gũi với cuộc sống hằng ngày, đa số câu hỏi đều sử dụng được Atlat nên không quá khó. Riêng câu II.2 TS, nào có kiến thức thực tế thì sẽ làm tốt, còn IV.b.2 là một câu tương đối khó. Câu này đòi hỏi phải biết vận dụng kiến thức đã học mới có thể trả lời đầy đủ các ý.
Đối với môn lịch sử, hầu hết TS ở Đà Nẵng đều nhận xét là rất dễ, chỉ cần học thuộc bài là có thể đạt điểm 8, 9. TS Hồng Ân, hội đồng thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), cũng cho rằng đề môn lịch sử không quá khó, ngoài câu 1 có tính chất tái hiện kiến thức, các câu còn lại chỉ cần vận dụng kiến thức là làm được.
Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác thi tại Đà Nẵng Sáng 3-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã đến TP Đà Nẵng kiểm tra đột xuất tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu) và hội đồng thi Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê). Thứ trưởng Nghĩa đánh giá Đà Nẵng đã có những biện pháp rất thiết thực như cấm xe ben lưu thông vào giờ cao điểm, bố trí phòng cho TS để vật dụng không được phép mang vào phòng thi, mở cửa phòng cho các TS ở xa có thể ở lại buổi trưa… Đây là những vấn đề rất cần thiết để áp dụng với các địa phương khác.
B.Vân |
“Phao” thi đầy sân trường Sau khi kết thúc hai môn thi địa lý và lịch sử, tại các hội đồng thi ở Trường THPT Quốc học và Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế)… xuất hiện nhiều “phao” thi được photocopy hoặc ghi lại bằng tay. Các “phao” thi này được vứt đầy cổng trường. Tình trạng này cũng xuất hiện tại hội đồng thi Trường THPT Lê Lợi (Quảng Trị). Khi thấy phóng viên chụp ảnh, 2 nhân viên của hội đồng thi vội vã xách thùng rác đi gom những mảnh “phao” thi trong khuôn viên nhà trường. Q.Nhật - B.Hải |
Bình luận (0)