xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghề giáo: Khổ và sướng

Yến Anh

Ai cũng biết nghề giáo thì nghèo. Nhưng họ có niềm vui, niềm hạnh phúc mà không một nghề nào có thể có được: Đào tạo cho xã hội những công dân có ích. Một nghề thanh cao, cao quý và sáng tạo

Cô Bích Hằng, một giáo viên dạy môn sinh vật Trường THCS Lê Lợi, Hải Phòng, cho biết không ít giáo viên trẻ của trường cô lâm vào tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền. Phần đông những giáo viên dạy môn sinh vật, địa lý, lịch sử, giáo dục công dân... như cô Hằng sống bằng lương, nhưng lương thì lại rất thấp vì giáo viên dạy những môn phụ không có thêm thu nhập nào cả. Trong khi đó, thu nhập của giáo viên một trường tiểu học công lập giữa thủ đô Hà Nội cũng không khá hơn bao nhiêu. Cô Phương, giáo viên trường tiểu học T., cho biết cô đã có gần 15 năm thâm niên trong nghề nhưng mức lương vẫn chỉ ở mức 1,9 triệu đồng/tháng (đã bao gồm phụ cấp đứng lớp). Số tiền này chỉ vừa đủ đi chợ trong 20 ngày.

Nhưng nếu so với bậc mầm non thì mức lương dưới 2 triệu đồng của giáo viên THCS, tiểu học vẫn còn là mức lương... cao. Mỗi ngày làm việc từ 9-10 giờ, hai cô giáo phải quản 40, thậm chí là 50 trẻ, mọi công việc từ soạn giáo án, tổ chức trò chơi, lên bảng theo dõi quá trình học tập, lo nộp phiếu ăn cho học sinh, các cô đều phải đảm nhận. Sau một ngày làm việc, mệt như người đi cày ruộng! Nếu nhân hệ số 1,8 đối với giáo viên tốt nghiệp trung cấp, từ 2,1 trở lên với giáo viên tốt nghiệp CĐ thì mức lương trung bình của giáo viên mầm non mới ra trường chỉ dao động từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng... Đối với các giáo viên lâu năm, dù nhận lương từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Vậy thì họ sống bằng gì?

Ai dám xung phong lên miền núi?

Giáo viên miền xuôi đã khó khăn như vậy, các thầy cô ở miền núi còn khó khăn gấp nhiều lần. Thầy Đỗ Văn Đà, Hiệu trưởng Trường THCS Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên, tâm sự để bảo đảm 187 học sinh của trường được lên lớp hằng ngày, các thầy, cô giáo phải đi thuê nhà, có người thì ở nhờ nhà dân. Thầy Lường Văn Vui (hiện đang dạy ở điểm trường Tả Ló San, Điện Biên) thì đùa, đặc sản hằng ngày của giáo viên vùng này chỉ cá khô và rau rừng. 1 kg cá khô ở huyện bán khoảng 30.000 đồng thì đến Tả Ló San đã gấp đến 3 lần, bao thuốc lá “đen” 3.000 đồng thì lên đây bằng giá bao thuốc lá thơm Vinataba.

Vậy thì giáo viên nào mới ra trường dám xung phong lên miền núi? Cũng ở huyện Mường Nhé, Điện Biên, các thầy, cô giáo nhiều khi lấy nhau cũng phải chịu cảnh “Ngưu Lang - Chức Nữ” vì dạy ở hai điểm trường cách nhau... mấy ngày đường. Vậy mà họ vẫn yêu và yêu nghề!

Nỗi buồn dạy thêm

Thu nhập không đủ sống tất yếu khiến các giáo viên phải đi làm thêm, mà làm thêm đối với nhà giáo chẳng có gì khác ngoài dạy thêm, chủ yếu ở các môn chính như: toán, lý, hóa, văn, Anh văn. Các giáo viên ở các TP lớn, thị xã, việc dạy thêm được xem là thu nhập chủ yếu, đặc biệt những giáo viên giỏi có số lượng học sinh học thêm rất đông. Tuy nhiên, trong niềm vui ấy vẫn phảng phất nỗi buồn, có khi buồn đến nao lòng. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc dạy thêm chỉ được tổ chức tại trường. Mà tổ chức tại trường thì giáo viên không muốn dạy, vì cực mà thu nhập lại rất thấp. Vừa rồi, trong tháng 11 này, ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, Phòng GD-ĐT đã lập biên bản 6 giáo viên dạy thêm “bất hợp pháp” tại nhà, bắt làm kiểm điểm. Cô giáo X.N, giáo viên cấp 2 ở huyện An Nhơn, tâm sự: “Tôi thấy thật buồn. Chẳng có giáo viên nào muốn dạy thêm, nếu lương họ đủ sống. Vì kiếm tiền bằng nghề dạy thêm chẳng bao giờ giàu có, lại vô cùng vất vả. Tôi thấy các đồng nghiệp của tôi bị “bắt”, tự ái, tủi nhục tôi bỏ dạy thêm luôn...”. Chuyện dạy thêm, học thêm ở đâu cũng có, nhan nhản, nhưng cách hành xử của ngành giáo dục mỗi nơi mỗi khác, đôi khi làm tổn thương lòng tự trọng nghề giáo. Ở TPHCM, Hà Nội, nhiều giáo viên giỏi, nổi tiếng thường tổ chức dạy thêm tại nhà, tại các trung tâm luyện thi. Có giáo viên dạy giỏi, mỗi giờ dạy ở các trung tâm kiếm vài trăm ngàn đồng là chuyện thường. Giáo viên các trường dân lập có khá hơn, nhưng cường độ cũng rất cao, sau giờ dạy là rạc cả người... Nói chung nghề giáo là nghèo, nghèo do cơ chế lương thấp.

Chọn nghề vì cao quý

Thầy Hạ Vũ Anh, giáo viên Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tâm sự anh chọn nghề giáo vì đây là một nghề được cả xã hội trân trọng. Sau ba năm “gõ đầu trẻ” ở một huyện trung du, thầy chuyển về Trường chuyên Vĩnh Phúc để truyền lửa đam mê cho những học sinh yêu toán. Cơ sở vật chất thiếu thốn, phải tự đầu tư một máy tính kết nối Internet để tìm tài liệu cho học sinh. Vất vả, tốn kém, nhưng thầy có niềm vui riêng, khi các học trò của mình đã giành được những thành công ngoài sức tưởng tượng: một HCV toán quốc tế châu Á-Thái Bình Dương 2001, một HCV toán quốc tế 2002, một HCĐ toán quốc tế 2003, một HCB toán quốc tế 2006... “Chỉ cần nhìn học trò thành đạt là mình hạnh phúc như chính mình thành đạt vậy” - thầy Vũ Anh tâm sự. Đó là hạnh phúc bất tận, niềm vui vô biên, mà chỉ có người thầy mới có được.

Với thầy giáo Lương Hoài Trụ, Phòng Giáo dục huyện Đồng Đăng, Lạng Sơn, “mỗi ngày 20-11, không niềm vui nào lớn hơn nhìn thấy học trò của mình giỏi giang, thành đạt”. Lớn lên trên đất Hoài Đức (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), thầy Trụ làm đơn xung phong lên miền núi Lạng Sơn. Thầy kể, lúc mới lên, nhìn ngôi trường ọp ẹp, đôi khi thầy cũng lung lay, nhưng rồi nhớ đến lời dạy của bác Phạm Văn Đồng “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”, cả hai vợ chồng thầy đều quyết tâm: không thể bỏ nghề. Ngoài giờ lên lớp ở Trường chuyên thị xã Lạng Sơn, thầy Trụ lao động như một nông dân để có cái ăn; vợ thầy thì may gia công, cuốn thuốc lá... Vất vả đến mấy, nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh học trò đến chật nhà vào ngày nhà giáo là hai vợ chồng thầy lại ngập tràn niềm vui.

Nhớ, một lần đọc ở đâu đấy tâm sự của một giáo viên ở miền Trung, thầy cầm gói trà (100 g), quà của hội phụ huynh trường tặng cho thầy cô giáo nhà trường nhân dịp Tết Nguyên đán mà rưng rưng nước mắt cảm động. Đó cũng là “phần thưởng” Tết duy nhất của các giáo viên ở trường thầy dạy có được. Trong khi đó, những người làm ở ngành bưu điện, điện lực, ngân hàng... được thưởng hàng chục, thậm chí có người được trăm triệu. Thầy viết: “Đó là “tiền thưởng” có giá trị cao hơn mọi phần thưởng. Tết này, gói trà ấy tỏa hương ấm áp trong nhà tôi...”.

Và như phim Hàn, tôi khóc...

Người ta nói giáo chức là “dứt cháo” (ăn cháo), thầy giáo là “tháo giày” (tức nghèo đến độ phải... tháo giày bán). Vậy mà những đồng nghiệp của tôi vẫn sống và vui với nghề.

Ngoài đồng lương còm cõi hằng tháng, những học sinh cá biệt hỗn láo, các bà mẹ nóng ruột con, thất lễ với thầy cô... Nói chung nghề giáo với tôi vẫn có những điều thú vị. Một sáng tôi vượt đèn đỏ trên đường Hồng Bàng, bất ngờ một chú công an tinh nghịch núp khuất bên gốc cây to xuất hiện và... “tuýt!”. Tôi chuẩn bị bài “ca con cá” (năn nỉ đó mà). Bỗng: “Ủa cô...”. Trời ạ, học trò cũ của tôi! Em học tôi ở trường dân lập nhiều năm trước, nay đã là cảnh sát giao thông. Em nhẹ nhàng nhắc tôi và cho tôi... đi. Thế nhưng, như phim Pháp, em hết sức ngạc nhiên khi tôi “xin” được nộp phạt. Tại sao ư? Vì tôi đã từng dạy học sinh về tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh “dám làm dám chịu”. Cô giáo không làm khác được...

Một tối ngày nhà giáo 20-11, mưa dầm dề. Chợt nghe tiếng gọi cửa gấp rút. Thì ra em Ngọc, lớp 9B của mấy chục năm về trước trên Bình Long, nhiệm sở đầu tiên của tôi. Em tặng tôi hộp bút. Em đã có gia đình, hiện lái xe hàng và nhân dịp xe chạy ngang qua thành phố, em tạt vào thăm cô giáo cũ. Như phim Hồng Kông. Và cô giáo mếu...

Nếu kể những lần hội ngộ những trò tinh nghịch cũng như tình cảm học sinh dành cho thầy cô, chắc nguyên tờ báo ghi không hết. Nói chung, ngành nghề nào cũng có niềm vui, nỗi buồn. Riêng ngành giáo hình như niềm vui từ học trò, nỗi buồn từ... ban giám hiệu, từ cơ chế... Mà niềm vui từ học trò cũng đủ cho người thầy đứng vững với nghề. Có lần, cả lớp chỉ vài em thuộc bài, lại còn nói chuyện râm ran. Tức mình, tôi “chửi” té tát suốt gần một tiết. Thế mà giờ chơi, gặp các em ở căng tin, các em cười vui, gọi cô ơi ới, như giữa cô trò chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chợt nhớ bản nhạc ngày xưa của Phạm Duy: “Trả lại tôi là tuổi trẻ bao dung...”. Ừ, tuổi trẻ thật bao dung. Một lần ăn tối cùng với các đồng nghiệp, bữa ăn do một học trò cũ đãi. Cậu học trò hỏi thầy: “Ngày xưa thầy có... ghét em không?”. Câu hỏi bất ngờ, hình như ngày xưa cậu này là học sinh cá biệt. Tỉnh bơ, đồng nghiệp của tôi nói: “Thầy giáo mà ghét học trò, làm sao làm thầy được, em...”. Đồng nghiệp tôi trả lời đúng. Không thầy cô nào ghét học trò cả. Đó là lương tâm...

Thỉnh thoảng xếp lại kệ sách, tôi bắt gặp những lá thư của lớp học trò đầu tiên mà nay các em đã nên danh, nên người. Nào là... “cô xa nhớ”, “cô thương nhớ”... Có thể cuộc sống đa đoan, lắm khắc nghiệt, có khi các em quên thầy cô, nhưng chợt nhớ ra và nhớ đến tôi. Cũng như tôi, vòng quay cuộc đời nhà giáo đơn điệu, áo cơm cực nhọc, thi thoảng lại nhớ đến những gương mặt học trò. Những gì các em đã mang đến cho tôi là những kỷ niệm, những dấu ấn, những hành trang... để tôi đứng vững trên bục giảng hôm nay. Và cũng là niềm an ủi, niềm vui của ngày mai, khi về già, khi không còn đứng trên bục giảng nữa. Và sẽ như phim Hàn Quốc, tôi khóc!

NGUYỄN NGỌC HÀ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo