xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghiêm Toản - Suốt đời tự học

TRẦN HỮU TÁ

Cũng như nhiều trí thức tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XX, GS Nghiêm Toản dù được đào tạo chính quy nhưng suốt đời đã không ngừng tự học. Vốn Hán học và Tây học sâu rộng của ông đã được thể hiện rất rõ qua nhiều công trình nghiên cứu riêng hoặc biên soạn chung

Mùa hè 1952, để chuẩn bị cho cuộc thi tốt nghiệp THPT (bây giờ là THCS) năm sau, tôi và vài anh bạn thân đăng ký học hè. Chúng tôi xin học lớp toán của thầy Bùi Hữu Sủng ở phố Hàng Bè và xin học văn do thầy Nghiêm Toản dạy ở Trường Tư thục Văn Lang. Đây toàn là những thầy nổi tiếng mà chúng tôi, dù là học sinh của ngôi trường công lập Nguyễn Trãi trứ danh, đã “ngắm nghía” từ lâu, khát khao được thụ giáo.

Danh bất hư truyền

Xin nói riêng về thầy Nghiêm Toản. Ngay tiết đầu tiên, chúng tôi đã bị (hay được?) thầy chinh phục hoàn toàn. Thầy bước vào lớp với dáng vẻ chững chạc và điềm đạm, đặt cặp xuống bàn, bình thản nhìn đám học trò tứ xứ đang láo nháo, lộn xộn. Nhưng chỉ một thoáng thôi, bắt gặp tư thế đĩnh đạc tự tin, ánh mắt nghiêm nghị của người thầy vóc dáng không lấy gì làm cao lớn uy phong, tất cả lớp - kể cả mấy anh sau này mới biết là loại “có sừng, có mỏ” - đều im bặt, đứng thẳng cúi đầu chào.

Bằng giọng nói sang sảng, cách trình bày cuốn hút và rất có chiều sâu giúp người nghe hiểu được cái tinh tế, tao nhã của bài văn từ hình ảnh đến ngôn ngữ, thầy dẫn cả lớp vào khu vườn trăm hoa đua sắc của thơ Thế Lữ những năm 1930. Tiếng trống báo hết giờ, tất cả chúng tôi đều thòm thèm, như phải rời bữa tiệc ngon khi chưa no.

Ba tháng học hè qua nhanh, chúng tôi học được bao điều cần thiết bổ ích về chương trình môn Văn lớp Đệ tứ để rồi tự tin chuẩn bị cho năm học mới, cho kỳ thi hết cấp sắp tới. Chỉ 3 tháng thôi nhưng hình ảnh thầy Nghiêm Toản đã in sâu trong tâm tưởng của tôi.

Lớn hơn chút nữa, dần dà tôi được biết thêm về thầy. Cũng như nhiều trí thức trẻ có tinh thần dân tộc, sau khi tốt nghiệp tú tài, anh thanh niên Nghiêm Toản thi vào Trường CĐ Sư phạm Đông Dương. Khác với nhiều bạn đồng môn, năm 1929, Nghiêm Toản bí mật tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị Pháp dìm trong máu. Những yếu nhân của đảng bị đưa ra pháp trường, hàng loạt đảng viên phải sống cảnh tù đày. Nhóm đảng viên ở Trường CĐ Sư phạm Đông Dương bị bắt trọn. Nghiêm Toản bị giam trong nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội), bị kết án tù khổ sai 20 năm và đày ra Côn Đảo.

 

GS Nghiêm Toản Ảnh: TƯ LIỆU
GS Nghiêm Toản Ảnh: TƯ LIỆU

 

Năm 1938, nhờ Phong trào Mặt trận Bình dân thắng thế ở Pháp, chính sách cai trị của chính phủ Pháp ở Đông Dương có phần bớt hà khắc. Nghiêm Toản cùng nhiều tù nhân khác được trả tự do và từ đó gắn với nghiệp “phấn trắng, bảng đen” cho đến cuối đời.

Từ năm 1938-1945, thầy dạy ở các trường trung học tư, chủ yếu là Trường Gia Long. Từ năm 1950-1954, thầy dạy ĐH Văn khoa Hà Nội và Trường Trung học tư thục Văn Lang. Sau năm 1954, thầy được cử làm giáo sư ĐH Văn khoa, ĐH Sư phạm Sài Gòn. Có thời gian (1969-1970) thầy làm trưởng Ban Việt - Hán tại ĐH Văn khoa.

Học vấn uyên thâm

Cũng như nhiều trí thức tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XX, thầy Nghiêm Toản dù được đào tạo chính quy nhưng suốt đời đã không ngừng tự học. Biết rằng vốn Hán học của mình chưa đủ mạnh, thầy đã cùng vài bạn đồng nghiệp ở 2 trường Gia Long và Thăng Long mời 2 cụ Bùi Kỷ và Cao Xuân Huy dạy thêm chữ Hán, giúp hiểu tường tận những công trình kinh điển của Trung Hoa cổ. Cả nhóm đều phục Nghiêm Toản vì thầy học nghiêm túc, kiên trì. Kể cả khi lớp kết thúc, thầy vẫn tiếp tục tự học. Vì vậy, sau này, học vấn uyên thâm của ông giáo sư trưởng Ban Hán - Việt ĐH Văn khoa đã khiến toàn ban tin tưởng.

Vào Sài Gòn cuối năm 1975, tôi tình cờ mua được cuốn “Lão Tử và Đạo đức kinh” (1970) do thầy dịch, chú thích, bình giải luận bàn rõ ràng cặn kẽ. Với một văn bản gốc không dễ hiểu như “Đạo đức kinh” mà để cho người đọc Việt Nam thấu hiểu được chiều sâu ý tưởng của Lão Tử, quả là không đơn giản nhưng GS Nghiêm Toản đã làm được và làm tốt.

Vốn Hán học và Tây học sâu rộng của thầy đã được thể hiện rất rõ qua nhiều công trình nghiên cứu riêng như: “Việt Nam văn học sử trích yếu” (1949), “Luận văn thị phạm” (1952), “Việt luận” (1952) hoặc biên soạn chung với GS Hoàng Xuân Hãn như: “Mai Đình mộng ký” (1951) và “Thi văn Việt Nam - từ đời Trần đến cuối đời Mạc” (1951). Trong 2 cuốn biên soạn chung này, thầy Nghiêm Toản phụ trách phần chú thích. Ít ai lại làm việc này công phu, tỉ mỉ, đầy trách nhiệm như thầy.

Bộ “Việt Nam văn học sử trích yếu” là công trình có giá trị hơn cả của GS Nghiêm Toản. Bộ sách được viết xong tháng 5-1949. Theo lời “Tựa”, cũng vì trước đó bộ “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm đã xuất bản và lưu hành nên ngay từ đầu, tác giả xác định đây không phải là sách khảo cứu mà là “viết theo lối phổ thông sơ học... giúp đỡ một đôi chút các bạn thất học có thể vào vườn hoa “thi văn Việt Nam” tự ngàn xưa để lại, theo nguyên tắc “chỉ trích những điều thiết yếu, còn lại bao nhiêu tạm lược bỏ hết đi”.

Bộ sách được chia thành 2 tập. Tuy xác định “không có tham vọng làm nhà khảo cứu” (Tựa) nhưng “Việt Nam văn học sử trích yếu” đã thể hiện một cái nhìn khá toàn diện đối với mỗi thời kỳ văn học mà tác giả phân chia theo cách riêng của mình; không dựa vào các sự kiện lịch sử, chính trị mà dựa vào ảnh hưởng của các nền văn hóa lớn của các nước đã xâm lược Việt Nam (văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp)... Bộ “Việt Nam văn học sử trích yếu” được viết bằng một văn phong khúc chiết, cô đọng, dễ hiểu, ít hàn lâm so với các bộ văn học sử cùng thời, rất thích hợp với đối tượng sinh viên, học sinh.

(Một phần bài viết này viết chung với TS Phạm Thu Hương - Viện Văn học)

 

Sự tôn vinh rất ý nghĩa

Cách đây mấy năm, có một tin làm bất cứ ai đã hiểu và quý trọng GS Nghiêm Toản đều đồng tình: Ngày 26-7-2011, UBND TP HCM quyết định đặt tên cho 35 tuyến đường tại 2 quận Tân Phú và Gò Vấp. Vinh dự này dành cho những người xứng đáng. Thầy Nghiêm Toản là 1 trong 35 vị đó.

Con đường mang tên Nghiêm Toản thuộc quận Tân Phú, nối thông đường Lũy Bán Bích với đường Thoại Ngọc Hầu. Một sự tôn vinh rất có ý nghĩa!

 

Kỳ tới: Một đời dạy văn, một đời viết văn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo