Đó là chia sẻ của Tôn Thất Vĩnh, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), người vừa nhận giải thưởng công dân trẻ tiêu biểu TP vừa qua.
Với những thành tích ấn tượng trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế của lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Tôn Thất Vĩnh đã vinh dự nhận giải thưởng Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2018. Thất Vĩnh cho biết đây là động lực để tiếp tục nỗ lực trong học tập, trong nghiên cứu, tiếp tục phấn đấu để trở thành một công dân có ích, có những đóng góp hữu ích đối với TP thân yêu".
Tôn Thất Vĩnh sinh năm 1997, năm lớp 10, khi theo học tại lớp chuyên Tin của Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, Vĩnh mới bắt đầu bén duyên với tin học. Khi hiểu, biết nhiều về tin học, Thất Vĩnh mới thấy nó là điều vô vàn mới mẻ, chỉ với một chiếc máy tính nhỏ, qua đó làm được ra rất nhiều thứ, giải quyết được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống với vô vàn những ứng dụng thiết thực, hữu ích,… "Tin học cũng như một môn nghệ thuật. Người học Tin học, khám phá những bài toán, thuật toán cần giải, những mã code, những ứng dụng của nó trong đời sống, những app… khiến cho bạn say mê và cảm giác tin như một môn nghệ thuật, thao tác trên máy tính cũng như đang trình diễn nghệ thuật vậy".
Từ việc hiểu rõ về bộ môn này, Thất Vĩnh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để bước sang năm lớp 11, giành giải ba môn Tin học quốc gia. Một năm sau Vĩnh giành giải nhì và sau khi tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM)
Đặt chân vào giảng đường ĐH, chàng trai đến từ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế với khả năng tự học tốt, cùng với niềm đam mê giành cho Tin, đã giành những giải thưởng như đạt hạng 6 kỳ thi Quốc tế: DAVIS Challenge on Video Object Segmentation 2018 - Semi-Supervised Track (CVPR Workshop 2018). Đứng thứ 11 kỳ thi Quốc tế: Multi-Organ Nuclei Segmentation challenge (MoNuSeg) - MICCAI Workshop 2018; đạt giải Nhất kỳ thi Quốc tế SHREC’18 Track: 2D Image-Based 3D Scene Retrieval.
Sinh viên Tôn Thất Vĩnh
Đặc biệt, Thất Vĩnh là đồng tác giả 4 bài báo tại hội nghị khoa học Quốc tế: CVPR là hội nghị về Khoa học máy tính số 1 trên Thế giới năm 2018. Trước đó, Vĩnh là tác giả chính bài báo khoa học Quốc tế: "Video Segmentation using Keywords" được nhận đăng tại hội nghị quốc tế International Conference on Machine Vision (ICMV) năm 2017, diễn ra tại Áo và đồng tác giả bài báo khoa học Quốc tế: "Instance Re-Identification Flow for Video Object Segmentation", được đăng tại hội nghị CVPR Workshops 2017 ở Mỹ năm 2017.
Tôn Thất Vĩnh (bên trái) cùng bạn học
Nói về nội dung của những bài báo quốc tế, Vĩnh cho hay: "Tôi và nhóm của mình, chủ yếu nghiên cứu về phân đoạn đối tượng trong video và một hướng đi mới mà bản thân tôi đang tiếp cận là phân tích ảnh y khoa”. Theo Thất Vĩnh, bí kíp để viết một bài báo quốc tế được đăng tải trên các trang khoc học uy tín chính là việc: Chúng ta cần làm việc nhóm, bởi vì trong một bài báo, khối lượng kiến thức cực kỳ nhiều, một mình không thể nào một mình hoàn thiện toàn bộ mọi thứ trong một bài báo khoa học, đặc biệt với một sinh viên. Ngoài ra, việc làm việc cùng nhau, mỗi người còn có thể học được nhiều thứ từ cách giao tiếp, kiến thức, kinh nghiệm… từ những người khác trong nhóm nên gia tăng lượng kiến thức, kỹ năng một cách nhanh chóng.
Đặc biệt, để hoàn thành một công trình nghiên cứu không thể tránh khỏi những thất bại, vì vậy đừng bao giờ chùn bước, hãy cứ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, trao đổi với bạn bè, với thầy cô, những đàn anh đi trước… Với những ai đam mê nghiên cứu khoa học, thì thất bại này, biết đâu mở ra cho bạn một hướng đi mới.
Thất Vĩnh cho biết, đã được lựa chọn thực tập tại trường ĐH Illinois tại Urbana – Champaign, Mỹ. Kết thúc 3,5 tháng thực tập tại nước ngoài, Thất Vĩnh đã lên ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu liên quan đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình xử lý ảnh y khoa, sinh học làm nội dung cho luận văn tốt nghiệp của mình.
Nói về những dự định tương lại, chàng sinh viên trẻ cho hay: "Tôi vẫn đang tìm học bổng du học tại Mỹ để tiếp tục học tập cũng như có cơ hội tiệp cận với những nghiên cứu mới, đặc biệt là ứng dụng các thuật toán trong lĩnh vực xử lý ảnh y khoa, sinh học. Tôi mong muốn đóng góp những nghiên cứu của mình cho cộng đồng khoa học Việt Nam trong tương lai".
Bình luận (0)