Khi thông tin này được đăng trên Báo Người Lao Động Điện tử, lập tức tòa soạn nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Báo Người Lao Động Điện tử cũng đã làm một cuộc thăm dò bạn đọc về vấn đề này. Kết quả ghi nhận lúc 13 giờ ngày 10-10 cho thấy có 39% bạn đọc cho rằng ra đề thi như vậy là bình thường, 61% đánh giá là không bình thường.
Khen gì?
Cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên môn văn của Trường Phổ thông Năng khiếu TP HCM, cho rằng đây là một đề thi hay. Theo cô Mai, việc đưa 2 cô gái này cùng với những phát ngôn của họ vào trong đề thi giống như việc đưa những trường hợp rất cụ thể và điển hình cho một lối sống và một quan điểm sống đang tồn tại trong xã hội mà thôi. Đó là lối sống hưởng thụ và “ký sinh” vào người khác; là lối sống tiêu cực, đáng lên án... Cô Mai bày tỏ rằng việc đưa hiện tượng tiêu cực vào một đề văn nghị luận xã hội cũng là điều bình thường vì đối với văn nghị luận xã hội thì mọi vấn đề của xã hội dù tích cực hay tiêu cực đều có thể trở thành chuyện để bàn luận, để thấy rõ tại sao đó là những hiện tượng đáng lên án...
Một giáo sư dạy văn của một trường ĐH tại TP HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng dụng ý của đề thi không tệ nhưng Ngọc Trinh hay “Bà Tưng” không đáng nêu tên, không cần phải nhớ đến 2 người này. Đề thi chỉ cần nêu: “Có người nói rằng….” có lẽ tốt hơn khi nêu thẳng tên Ngọc Trinh và “Bà Tưng” ra. Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại - Phó Giám đốc Đào tạo Trường Quốc tế Wellspring (Hà Nội), người có hơn 50 năm giảng dạy môn văn - bày tỏ: Nên có đề thi như vậy để học sinh thể hiện đúng năng lực. “Đây là đề mở phù hợp với thi học sinh giỏi, còn đối với kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh, ra đề mở như thời gian qua là phù hợp” - thầy Đại nói.
Đề thi phải mang tính giáo dục
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), thẳng thắn cho biết ông không ủng hộ cách ra đề như vậy. “Tôi tán thành việc ra đề mở nhưng đề thi phải mang tính chất giáo dục, ví như đề thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi. Không hiểu tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng lại đưa 2 nhân vật này vào đề thi? Liệu các em có dám nói thật những suy nghĩ bị xem là trái chiều? Nếu nói thật thì sao, hội đồng chấm thi sẽ xử lý như thế nào? Có phải đề thi mở thì chỉ cần học sinh viết hay là được điểm không?” - PGS Văn Như Cương đặt vấn đề.
Chung quan điểm này, cô Trương Ngọc Bích, nguyên giáo viên văn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cho rằng không hiểu tại sao lại ra đề thi về một vấn đề không mang tính bao quát, không đại diện cho suy nghĩ của thế hệ trẻ như vậy? Theo cô Bích, xu hướng của những người đẹp hiện nay không phải đại diện cho tất cả thanh niên; vả lại, đưa “tiến bộ xã hội” đi cùng “ước mơ đại gia của cô gái trẻ” là khiên cưỡng.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, đồng thời là Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, nhận xét 2 nhân vật này đã bị lên án nhiều vì không ít chuyện kệch cỡm, nay nếu có khai thác thêm cũng khó tìm hiểu được ý gì mới từ phía học sinh. “Không biết là người ra đề muốn tìm hiểu đến đâu nhưng rõ ràng đề thi này không tạo được cái mới” - ông Lâm nói.
Ra đề như vậy là mạo hiểm!
Khi được hỏi, nhiều chuyên gia đều ủng hộ lối ra đề mở để học sinh được tự do bày tỏ quan điểm của mình. “Đề mở hiện nay rất nhiều đề tài để học sinh “vùng vẫy” nếu như các em nắm vững vấn đề” - cô Trương Ngọc Bích nói. TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh việc ra đề mở là cần thiết vì sẽ bảo đảm 2 mục tiêu, một là chọn được những người lập luận tốt, hai là tìm ra được những ý tưởng mới.
Đề thi gây tranh cãi Trong kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 12 ở Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP này ra đề, trong đó có 1 câu như sau: Câu 1: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”. Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”. Đề văn này gây xôn xao dư luận, được rất nhiều người quan tâm, tranh cãi. |
Bình luận (0)