icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngọn đèn

Nguyễn Mỹ Dzuyên (giáo viên - quận Bình Thạnh)

Trước khi chính thức trở thành một người thầy, tôi cũng đã trải qua những năm tháng thời học sinh. Có rất nhiều người thầy, người cô đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng tốt đẹp về lòng yêu thương, tận tụy... Cha tôi cũng là một người thầy trong số đó. Tất cả đã nhen thành ngọn lửa, cho hôm nay tôi tự hào được nối tiếp truyền thống gia đình và được đứng trong hàng ngũ của những người thầy!

Tôi thật khó chọn ra một ai đó để bày tỏ hết lòng tri ân và kính trọng của mình. Đó có thể là cô giáo có cái bớt ở tay, người cô đầu tiên khi tôi học lớp chồi. Cũng có thể là cô giáo lớp một, người đã đánh tôi rất đau và cũng là người lần đầu cho tôi biết nắn nót từng nét chữ... Đó có thể là thầy dạy toán suốt bốn năm tôi học cấp 2, là con người sống nghĩa tình nhất mà tôi được biết. Hiện thầy đã nghỉ hưu, có cuộc sống sung túc, có hai con gái đã định cư ở nước ngoài. Đó có thể là thầy dạy Anh văn, chủ nhiệm năm tôi học lớp 8, thầy yêu thương học sinh và vô cùng mẫu mực. Thầy qua đời sau cơn bạo bệnh và tôi luôn nghĩ về thầy với niềm kính yêu vô hạn. Đó còn là một người cô, người đã nhiều lần “làm hòa” với đứa học trò “cứng đầu” là tôi. Tôi luôn nghĩ đến cô khi mùa hiến chương về – tôi luôn thấy nợ cô một lời xin lỗi. Gần mười năm, ở vị trí người thầy, tôi đã hiểu... Mười năm, tôi vẫn chưa nói được lời xin lỗi...

Người thầy đó cũng có thể là cha tôi. Cha tôi là người giáo viên chân chính. Ngoài giờ dạy, cha còn kiêm thêm nghề “phó cạo” (thợ hớt tóc). Nghề giáo trong những năm tháng khó khăn, để nuôi sống đại gia đình 9 nhân khẩu, cha đã cật lực và không nề hà bất cứ việc gì, kể cả luộc khoai mì để bán trong căng tin trường học. Chật vật là thế, nhưng những giây phút trên bục giảng lại là những giây phút “thăng hoa”. Cha tôi dáng người còm cõi, gánh nặng cuộc đời dồn hết vào hình hài cha, cha tôi ít lời, càng không bao giờ có một tiếng than van...

Cha tôi là thầy của nhiều thế hệ học sinh và là thầy của tất cả anh chị em tôi. Cuộc đời cha tôi không khác gì chú bé Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu), ông nội tôi mất, bà tôi đi bước nữa... Mồ côi cha, xa mẹ từ lúc nhỏ, cha tôi phiêu dạt từ đất Bắc vào miền Nam, nên dường như không có việc gì là cha không làm được. Người thầy đó đã lao lực lao tâm để nuôi sống cả gia đình tôi bằng đồng lương thời bao cấp. Đồng lương eo hẹp nhưng phải cố giữ cho mình lương thiện. Và đó cũng là bài học lớn nhất mà cha - cũng là một người thầy - đã dạy cho tất cả anh em chúng tôi.

Cha tôi đặc biệt khéo tay. Tôi thường nhờ cha chỉ cách cắt dán thủ công, kể cả hướng dẫn làm tập làm văn (không có văn mẫu) và tôi luôn đạt số điểm cao nhất. Cha còn dạy tôi học ngoại ngữ. Trong mắt tôi dường như cha cái gì cũng biết nên tôi rất ngưỡng mộ cha.

Cha vẫn là thầy cho đến khi cha đột ngột qua đời. Rất nhiều những vòng hoa và nước mắt tiếc thương của đồng nghiệp và những học trò mới, cũ của cha. Riêng tôi, bất ngờ và ngơ ngác đến mức không có giọt nước mắt nào. Cho đến tận khi tôi ngồi ở mép giường, ngay dưới chân cha, vân vê những móng chân lạnh ngắt của cha, nước mắt mới bắt đầu tuôn chảy...

Mới đó mà đã 17 năm. Cha tôi không còn đến lớp mỗi buổi sáng, không còn tất bật trở về những buổi trưa. Những chiều mưa, cha không còn mỏi mòn chờ đợi từng người khách hớt tóc... Cha không còn chờ đợi và chịu đựng bất kỳ điều gì.

Tôi là con gái duy nhất nối nghiệp cha. Không còn cha, một mình tôi đối diện với những gian nan của cuộc sống và thử thách của nghề nghiệp. Đã có lúc tôi phân vân, giằng co với ý nghĩ rẽ sang một lối khác... Nhưng khi viết những dòng chữ này, hình ảnh cha tôi trở lại thật nguyên vẹn. Tôi đang đi trên con đường cha từng đi. Tôi hiểu sự chọn lựa của mình và muốn đi đến cùng với sự chọn lựa ấy.

Cha là ngọn đèn và mãi mãi là người thầy trong lòng tôi.

Cuộc thi viết về “Người thầy của tôi” đã nhận được thư tham gia cuộc thi của các bạn: Lê Văn Bảy, 184/36/2 Bãi Sậy, P.4, Q.6 - TPHCM; Nguyễn Thị Cúc, 93 Phan Đình Phùng, Biên Hòa, Đồng Nai; Nguyễn Mỹ Duyên, Trường THCS Thanh Đa - TPHCM; Trần Tú, 336 Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam; Trần Văn Tám, Trường THPT Trung Lập Hạ, Củ Chi - TPHCM; Bành Kim Lang, 43 Tân Hương, P.Tân Quý, Q.Tân Phú - TPHCM; Trần Thị Hảo, 30/151 Huỳnh Văn Bánh, P.12, Q.Phú Nhuận; Vũ Ngọc Dương, lớp triết K.29 Trường ĐH Khoa học Huế; Chung Chí Thành, 623 Điện Biên Phủ, P.1, Q.3 - TPHCM.

- Cuộc thi viết về người thầy mang tên “Người thầy của tôi” do Báo Người Lao Động phối hợp với Công ty Cổ phần May Nhà Bè tổ chức nhận bài đến hết ngày 15-4-2008. Địa chỉ nhận bài dự thi: Tòa soạn Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, Q.3 - TPHCM; Fax: (08) 9304707; e-mail: khoagiao@nld.com.vn (ngoài bì thư ghi: Bài dự thi “Người thầy của tôi”).

Mời bạn đọc xem chi tiết trên Người Lao Động online (www.nld.com.vn).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo