Các cơ sở nằm trong danh sách bị xử phạt lần này gồm: Viện ĐH Mở Hà Nội, Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp, Công ty TNHH đào tạo FTMS, Trường Đại học Hoa Sen, Viện Quản trị tài chính, Công ty TNHH 100% vốn nước ngoài Melior Việt Nam, Công ty TNHH Đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh Singapore.
Hiện nay, người học gần như chỉ biết tin vào uy tín của
các nhà trường khi tham gia các chương trình liên kết. Ảnh: Bích Ngọc
Do chương trình LKĐT với Trường CĐ kỹ thuật Box Hill (Úc) đã hết hạn vào tháng 12-2011, Thanh tra bộ đã yêu cầu Viện ĐH Mở Hà Nội dừng hoạt động quảng cáo, tuyển sinh các chuyên ngành điện tử viễn thông, kỹ thuật máy tính, kế toán doanh nghiệp, quản trị du lịch, quản trị khách sạn và quản trị dịch vụ ngân hàng thuộc chương trình này.
Nếu như vi phạm của Viện ĐH Mở Hà Nội mới chỉ dừng ở hoạt động quảng cáo tuyển sinh thì ở ĐH Hoa Sen đã có 14 sinh viên được tuyển vào chương trình LKĐT với Trường Du lịch và khách sạn Vatel (Pháp). Chương trình này phải dừng đào tạo vì chưa được Bộ GD-ĐT phê duyệt do chưa đủ điều kiện theo quy định.
Trong số các đơn vị còn lại, có đơn vị bị "tuýt còi" kịp thời khi mới vi phạm ở mức quảng cáo, tư vấn tuyển sinh các chương trình chưa được chuyển đổi giấy phép như Công ty TNHH đào tạo FTMS với chương trình cử nhân kế toán ACCA. Hay có cơ sở như Viện Quản trị tài chính là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực KHCN, được cấp phép đào tạo Anh văn trình độ A, B, C song đã tổ chức tư vấn tuyển sinh được 17 học viên theo chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, các học viên này đang học theo hình thức online tại Việt Nam.
Các cơ sở còn lại đều đã trong quá trình đào tạo với các chương trình trái phép. Tại thời điểm thanh tra, Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp có 54 sinh viên học chương trình CĐ của Association of Business Executives (Anh) trong khi nhà trường không được phép đào tạo các trình độ TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.
Công ty TNHH Melior Việt Nam có 330 sinh viên đang học các ngành quản trị kinh doanh, quản trị du lịch và khách sạn trình độ CĐ và ĐH. Tại thời điểm thanh tra, cơ sở này có 91 sinh viên đã tốt nghiệp và 22 sinh viên đang làm thủ tục cấp bằng. Công ty TNHH Đào tạo CNTT và quản trị kinh doanh Singapore thì đang có 128 sinh viên theo học các chương trình CĐ. Ngoài ra đã có 224 học viên tốt nghiệp từ cơ sở này.
Ngoài lỗi phổ biến là đào tạo các chương trình chưa xin phép Bộ GD-ĐT hay giấy phép đã hết hạn, còn nhiều loại vi phạm khác mà các chương trình LKĐT hay mắc phải. Chẳng hạn, Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp đã bị Bộ yêu cầu không nhập nhằng về mặt văn bản và địa điểm đào tạo, nhằm gây hiểu lầm rằng nhà trường có tham gia LKĐT với Trường ĐH QueBec at Montreal (Canada). Việc dựa dẫm vào thương hiệu của một trường uy tín còn thể hiện qua việc liên kết giữa những trường có nhiều chỉ tiêu song không tuyển đủ thí sinh với những cơ sở có tên tuổi để "sử dụng" các chỉ tiêu còn thừa đó.
Người học: "Tiền mất, tật mang"?
Như vậy, ít nhất đã có gần 900 người đã và đang theo học các chương trình trái phép. Con số này mới chỉ bằng một nửa số học viên tham gia các chương trình LKĐT đã bị xử lý tương tự cách đây vài tháng (ERC Việt Nam, Raffles, ILA, Viện Kế toán quản trị doanh nghiệp).
Quyền lợi của hàng nghìn người rõ ràng bị ảnh hưởng khi các cơ sở buộc phải dừng đào tạo và Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục không công nhận văn bằng thuộc các chương trình đào tạo nêu trên, theo kiến nghị của thanh tra. Đây là điều khiến học viên thiệt thòi nhất, bởi họ không có lỗi gì khi đăng ký học ở những cơ sở công khai, được quảng cáo rầm rộ và hoạt động trong một thời gian khá dài. Không chỉ dừng lại ở việc không được công nhận văn bằng, người học còn chịu mất nhiều thời gian, công sức và cả hoài bão tương lai vào các chương trình học trái phép.
Trước bức xúc nói trên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết: Với số học viên đã tốt nghiệp, hiện Bộ GD-ĐT dựa theo quy định công nhận văn bằng có yếu tố nước ngoài, giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục kiểm tra, xem xét. Song với những sinh viên đang học dở, ông Bằng khẳng định: Chắc chắn sẽ không được cấp bằng.
Quan điểm cứng rắn của bộ nhằm đưa hoạt động LKĐT vào "quỹ đạo" là cần thiết. Đồng thời, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế trong đào tạo, các hoạt động liên kết với các trường nước ngoài cũng là một hướng đi đúng. Song điều quan trọng không kém là làm thế nào để người học tránh khỏi cảnh "tiền mất tật mang" trước những chương trình kém chất lượng hoặc thiếu tính pháp lý.
Theo quy định của Chính phủ, Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định và cấp phép cho các chương trình LKĐT. Tính đến ngày 29-3-2012, Bộ đã cấp phép cho 178 chương trình LKĐT của 58 trường ĐH, CĐ, các đơn vị giáo dục tại Việt Nam với các đối tác nước ngoài.
Ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT, khuyến cáo người học cần tham khảo tính pháp lý của các chương trình liên kết, đồng thời nhấn mạnh: Bằng tốt nghiệp của các chương trình liên kết không phép sẽ không được Bộ GD-ĐT công nhận. Danh sách các chương trình được cấp phép được cập nhật trong phần Tài liệu và hướng dẫn, mục Tài nguyên, trên trang web của Cục Đào tạo với nước ngoài (vied.vn).
Tuy nhiên, trên thực tế Bộ GD-ĐT chỉ có quyền thẩm định và cấp phép cho những chương trình tại các trường trực thuộc bộ. Hiện cả nước có 5 cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ trong việc cấp phép cho các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bao gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và 3 ĐH vùng, bên cạnh đó còn nhiều cơ sở đào tạo thuộc các bộ, ngành khác. Bớt đi một "trạm gác" là Bộ GD-ĐT, người học gần như chỉ biết tin vào uy tín của nhà trường khi tham gia các chương trình liên kết, nhưng những chương trình vừa bị đình chỉ cho thấy, niềm tin này đã bị tổn hại.
Bình luận (0)