Chúng ta phẫn nộ với 231 cái tát trừng phạt một cậu bé bị bạn bè tố "nói tục". Chúng ta sửng sốt về phương pháp giáo dục cột trẻ bên cửa sổ để quản trẻ. Nhưng sau tất cả, có bao giờ chúng ta lắng lòng lại, chậm rãi tìm hiểu để cảm thông và thấu hiểu với áp lực của những người đang thực hiện sứ mệnh trồng người?
Người thầy luôn gánh vất vả trên con đường gieo chữ nhưng có lẽ nhọc nhằn nhất vẫn là hành trình "trồng nhân cách, uốn tâm hồn". Giáo viên đến lớp ai cũng muốn nở một nụ cười tươi, an nhiên đi vào bài giảng và hạnh phúc đón nhận sự tiến bộ của học sinh.
Tuy nhiên, bục giảng chẳng phải lúc nào cũng êm đềm và nhiệm vụ giáo dục học sinh chưa bao giờ là con đường trải hoa hồng. Giáo viên ngày ngày đối diện với vô số áp lực từ nhà trường, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội. Trong đó, thành tích đang là một cuộc đua không hồi kết trong nhà trường. Những chỉ tiêu về khá giỏi, lên lớp, giải thưởng học sinh giỏi... vẫn ngày ngày bó buộc giáo viên phải đua và khi chẳng đạt chỉ tiêu thì lập tức bị hạ thi đua, hạ danh hiệu. Tình thương, sự lương thiện, nhân tính của một con người rất dễ bị lu mờ trước bao lo toan về áp lực thi đua, áp lực thành tích.
Học sinh là một sản phẩm giáo dục đặc biệt cần bàn tay chuyên môn nhào nặn và uốn nắn bằng yêu thương, tôn trọng, vị tha, nhân ái... Nhưng học sinh cũng là những con người với cá tính khác nhau đòi hỏi người thầy phải linh hoạt trong phương pháp sư phạm, kiên nhẫn trong nhiệm vụ trồng người.
Vậy mà có lúc nhà giáo cũng phải bất lực trước các học trò ngỗ ngược, tinh quái, hỗn hào và bất trị... Những học sinh cá biệt và đặc biệt ấy đẩy giáo viên đứng lớp vào thế bí, đơn độc đối diện áp lực và tự đi tìm câu trả lời cho bài toán hóc búa giáo dục nhân cách học sinh. Trong thời khắc ấy, sai lầm rất dễ nảy sinh khi người thầy không tìm thấy bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ tập thể, không hề có một định hướng, chỉ đạo nào từ cấp trên.
Xã hội và phụ huynh đang quàng lên vai nhà giáo vô số kỳ vọng về mục tiêu giáo dục, nhiệm vụ giáo dục. Nhưng cũng chính xã hội và phụ huynh đang tước dần quyền giáo dục học sinh của người thầy. Niềm tin của người thầy về sự trọng vọng nghề giáo trong xã hội đang dần rơi vãi. Người thầy hoang mang trước thực trạng phải dạy và dỗ học sinh nhưng cấm tiệt đánh roi, khẽ tay, phạt đứng góc lớp, chép phạt...
Người thầy đang cần những cơ hội được nói, chia sẻ và trao đổi về áp lực nghề giáo. Người thầy cần những khóa đào tạo kỹ năng làm chủ cảm xúc, kỷ luật tích cực... Và hơn hết, mỗi nhà giáo đều muốn thoát ra khỏi gánh nặng thành tích, điểm số, sổ sách... Hãy tháo bớt áp lực cho họ để việc dạy dỗ bớt vất vả, nhọc nhằn hơn.
Bình luận (0)