Vừa nghe thông tin muốn liên thông từ CĐ lên ĐH phải thi chung kỳ thi tuyển sinh với thí sinh chính quy, H. - một sinh viên Khoa Kế toán hệ CĐ của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - đã tỏ ra lo lắng. Trượt ĐH kỳ thi tuyển sinh năm 2010, H. chọn con đường học CĐ để liên thông lên ĐH, hy vọng có thể dễ dàng xin việc sau này. Tuy nhiên, với quy định mới, nữ sinh này sẽ trải qua một kỳ thi tuyển sinh khá căng thẳng để có thể học tiếp lên bậc ĐH.
Tránh “vàng thau lẫn lộn”
Cũng lo lắng không kém, Tuyết Lan - một sinh viên đang học ngành quản trị kinh doanh - dự định học liên thông lên hệ ĐH của Trường ĐH Thương mại, cho biết quy định này gây khó cho không chỉ cô mà nhiều sinh viên khác. Thực tế, để tốt nghiệp được CĐ phải mất 3 năm. Ba năm ấy kiến thức toán, lý, hóa không dùng đến đã mai một đi rất nhiều, làm sao có thể nhớ để dự thi tuyển sinh cùng thí sinh chính quy được. Trong trường hợp này, chỉ có thể vừa học chương trình CĐ trên lớp vừa phải đi ôn thi theo chương trình phổ thông để theo kịp các thí sinh khác. “Nếu Bộ GD-ĐT ban hành quyết định như vậy thì em chắc phải đi luyện thi toán, lý, hóa với học sinh lớp 12 ngay từ bây giờ” - Tuyết Lan cho biết.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT không chỉ khiến các sinh viên đang học CĐ, trung cấp gặp khó khăn mà ngay cả cán bộ quản lý các trường cũng dẫn ra nhiều bất hợp lý. Lãnh đạo một trường ĐH cho rằng thay vì yêu cầu sinh viên phải thi cùng thí sinh khác trong kỳ thi tuyển sinh chính quy, bộ nên tăng cường giám sát các kỳ thi liên thông của các trường CĐ, ĐH.
Không ai thi được!?
Với những trường thường xuyên phải xin phép bộ hoán đổi chỉ tiêu đào tạo chính quy sang chỉ tiêu liên thông vì tuyển không đủ chỉ tiêu thì việc sinh viên liên thông phải thi như chính quy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho trường. Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng liên thông theo tín chỉ là tích lũy kiến thức, tích lũy đủ thì đạt được văn bằng. Nếu đang học theo hình thức tín chỉ mà buộc phải thi lên ĐH thì không ai thi được.
Cũng theo ông Thắng, chất lượng liên thông có thể làm Bộ GD-ĐT lo lắng nhưng phải có một giải pháp khác hài hòa hơn, như thi một môn toán hoặc văn và hai môn chuyên môn. Còn nếu thi như thi ĐH thì chắc chắn sẽ không có mấy người đỗ và trượt ở đây không phải kém mà vì kiến thức phổ thông qua thời gian đã mai một dần. “Nếu vậy, hình thức liên thông sẽ có nguy cơ đóng cửa vì không có thí sinh trong khi chất lượng đào tạo liên thông tốt hơn đào tạo tại chức rất nhiều” - ông Thắng khẳng định.
Ông Đặng Thế Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, cho rằng yêu cầu cao như vậy là rất khó cho cả sinh viên cũng như các trường. Bản thân việc tổ chức thi chung với thí sinh chính quy như vậy cũng phức tạp vì học sinh phổ thông chỉ có vài khối nhưng sinh viên liên thông thì rất nhiều ngành. Phải nghiên cứu kỹ để tạo điều kiện cho người học phấn đấu trên con đường học vấn của mình.
Cần giải pháp phù hợp Một chuyên gia giáo dục đánh giá việc liên thông hiện nay quá dễ dãi, để tuyển cho đủ chỉ tiêu, không ít trường tìm cách hạ chuẩn. Việc đào tạo cũng không khác gì đào tạo tại chức. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận quy định như dự thảo đang gặp phải những tranh cãi “nảy lửa” giữa các nhà quản lý. Việc tìm ra một giải pháp phù hợp nhất để vừa nâng cao chất lượng đào tạo vừa bảo đảm quyền lợi của người học xem ra không phải là việc dễ dàng. |
Bình luận (0)