Theo lãnh đạo nhiều trường THCS, dù thời hạn đăng ký nguyện vọng (NV) tuyển sinh vào lớp 10 bắt đầu từ ngày 14-4 nhưng đến nay hầu như chưa học sinh (HS) nào đăng ký, nhiều HS còn băn khoăn khi có những môn học yêu thích nhưng trường THPT lựa chọn lại không tổ chức giảng dạy.
Lo ngại mất môn lịch sử
Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phải tổ chức khảo sát HS lớp 9 về NV lựa chọn môn học ở lớp 10. Kết quả khảo sát là căn cứ để trường THPT xây dựng các tổ hợp môn học và cơ cấu lớp 10 tương ứng với các tổ hợp môn học này. Tuy nhiên thực tế, nhiều trường THPT tại TP HCM cho biết việc khảo sát chỉ mang tính tương đối vì lúc này HS lớp 9 chỉ quan tâm thi đậu vào lớp 10 trường công lập.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 cho biết giáo viên (GV) của trường vẫn đang tư vấn cho HS lựa chọn NV. Vừa qua, khi một số trường THPT tại quận 1 thực hiện khảo sát NV của HS lớp 9 làm cơ sở để xây dựng các tổ hợp môn tự chọn cho HS lớp 10 đã xảy ra nhiều tình huống. Theo vị này, có trường hợp HS muốn đăng ký NV1 vào một trường nhưng trường đó lại không có tổ hợp môn mà HS mong muốn. Chẳng hạn, có trường hợp một HS rất yêu thích môn công nghệ nhưng trường THPT em này đăng ký tuyển sinh không chắc chắn sẽ giảng dạy. "Lý do mà nhà trường đưa ra là tùy thuộc số HS đăng ký, nếu đông mới dạy được. Trong khi thực tế, môn công nghệ là môn rất ít HS lựa chọn, giữa tin học và công nghệ, hầu như em nào cũng đăng ký môn tin học" - vị này cho biết.
Thừa nhận việc công bố các tổ hợp môn tự chọn để HS tham khảo chỉ có tính tương đối, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết thực tế hiện nay, GV trường THCS không biết được đặc thù từng môn học hoặc điểm mạnh, điểm yếu của từng trường THPT nên việc tư vấn chỉ dừng lại ở lựa chọn làm sao để trước tiên thi đậu vào lớp 10, việc lựa chọn tổ hợp môn tính sau. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất hiện nay là môn lịch sử, địa lý chỉ nằm ở môn học tự chọn. Nếu các trường có thế mạnh về các môn tự nhiên thì sẽ càng mai một về môn lịch sử, địa lý. "Việc này sẽ dẫn đến tình trạng dư hoặc thiếu GV cục bộ. Trong khi các nước trên thế giới coi trọng môn lịch sử, địa lý thì ở Việt Nam lại chỉ xem là môn học tự chọn. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của HS".
Một hiệu trưởng khác cho rằng tại sao môn nghệ thuật trong chương trình mới chỉ mặc định là âm nhạc, mỹ thuật, trong khi có nhiều loại hình nghệ thuật khác được thế giới công nhận. Ngay cả môn giáo dục thể chất, nên có một cơ chế mở cho các trường, để trường tùy điều kiện dạy trên cơ sở nhu cầu, mong muốn của HS.
Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020. Ảnh: TẤN THẠNH
Xây dựng các giờ học dự phòng
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho hay qua khảo sát gần 300 HS lớp 9 trên địa bàn quận 1, việc lựa chọn tổ hợp môn của HS có độ vênh so với HS lớp 10 hiện tại. Theo bà Dung, việc xây dựng các tổ hợp môn nhằm giới thiệu cho HS lớp 9 tham khảo chứ không phải bắt buộc. Lý do là nhiều HS, ngay cả phụ huynh, cũng chọn tổ hợp môn theo tên gọi, bởi thực tế các em chưa hiểu gì để chọn lựa tổ hợp.
Để khắc phục tình trạng dư, thừa hoặc thiếu GV trong tình huống HS chọn môn nhiều, môn ít, theo bà Dung, phương án của trường đưa ra là GV môn lịch sử, địa lý sẽ dạy môn giáo dục địa phương, GV môn công nghệ sẽ dạy môn trải nghiệm… Thực tế từ nhà trường, bà Dung cho biết trường công bố các tổ hợp môn tự chọn dựa theo các khối thi truyền thống như A, A1, B, D… nhưng vẫn phải đợi khi HS đăng ký vào trường mới tính được.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3 cho rằng trước đây khi phân ban, HS chọn môn rồi sẽ chọn lớp nhưng nay việc lựa chọn tổ hợp chỉ có tính tương đối, nhà trường sẽ để HS chọn 2-3 tổ hợp gần với thiên hướng của HS và kịp thời đổi NV sau khi thấy không phù hợp.
Để kịp thời cho HS lựa chọn lại các tổ hợp tự chọn, theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, ngay trong học kỳ I, trường sẽ mở thêm lớp học của tất cả các môn, để các em tham gia khi có nhu cầu và kịp thời đổi lựa chọn khi sang học kỳ II của lớp 10. "Tuy nhiên, khó nhất là làm sao khi HS đã chọn lại tổ hợp môn nhưng vẫn học tốt và đậu được vào đại học. Lý do là hiện nay chúng ta mới chỉ thấy chương trình lớp 10; còn chương trình lớp 11, 12 chưa thấy. Trong khi đó, liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi đánh giá năng lực có thay đổi gì không" - bà Dung nói.
Nhiều thay đổi trong tuyển sinh lớp 10
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có nhiều thay đổi. Các cơ sở giáo dục tổ chức cho cha mẹ HS và HS tìm hiểu về xét tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10. Thực hiện công tác tư vấn và cho HS đăng ký lựa chọn 3 NV theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 vào lớp 10 các trường THPT công lập. Đối với trường hợp HS đăng ký NV vào trường THPT xa nơi cư trú, hiệu trưởng phải tổ chức tư vấn riêng cho cha mẹ HS, đề nghị chứng minh điều kiện bảo đảm cho HS học tập tại trường đã đăng ký theo NV. Đặc biệt, đối với những thí sinh bị cảnh cáo trong khi làm bài thi nào thì sẽ bị trừ 25% tổng số điểm của bài thi đó.
Bình luận (0)