xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà khoa học cần gì?

LAN ANH ghi

Trước khi có buổi nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội về phương pháp học tập vào chiều 13-3 trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình”, GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề...

* Phóng viên: Ảnh hưởng từ nhà trường và gia đình, yếu tố nào quyết định nhất đối với GS?

- GS Ngô Bảo Châu: Để nói cái gì là yếu tố quan trọng nhất, tôi không trả lời được. Tôi nghĩ câu hỏi này không phải câu hỏi đúng vì mọi vấn đề phức tạp. Ví dụ như vấn đề học như thế nào thì có rất nhiều nguyên nhân. Đánh giá cái nào quan trọng nhất thì mình lại coi nhẹ các yếu tố khác.

Tôi nghĩ cuộc sống gia đình, những người thân, đặc biệt cách ứng xử, thái độ của họ có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành hành vi của đứa trẻ sau này. Nhà trường có thể dạy dỗ nhưng cái mà cha mẹ để cho con cái rất quan trọng.
 
img
GS Ngô Bảo Châu tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 12-3
Ảnh: HOÀNG LAN ANH

* Chính phủ đã có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về nước làm việc nhưng mức lương và chế độ đãi ngộ như nước ngoài thì ngân sách không thể lo nổi. Theo GS, đó có phải là lý do các nhà khoa học ở  nước ngoài ít đến Việt Nam?

- Cách đây vài năm, có một khảo sát trên mạng rất hay dành cho các nhà khoa học trẻ tại Mỹ và châu Âu, theo đó, yếu tố thu nhập đứng thứ ba chứ không phải là mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học. Hai yếu tố đầu tiên là môi trường làm việc và khả năng thăng tiến trong công việc, không phải là tiền bạc.

Tôi nghĩ ý kiến này phản ánh đúng tâm tư của các bạn trẻ làm việc ở nước ngoài. Những người trẻ, chưa có gia đình, chưa phải nhiều trách nhiệm với con cái thì vấn đề thu nhập không phải yếu tố đặc biệt lắm. Tất nhiên, về mà sống một cuộc sống nghèo khổ thì không ai lựa chọn nhưng không nhất thiết đòi hỏi cuộc sống giàu sang. Cái họ cần là có điều kiện làm việc thực sự, làm khoa học, làm việc họ muốn chứ không phải mất thời gian vào việc khác. Đấy là điều kiện làm việc, tức là họ có thể lao động chân chính trong lĩnh vực họ muốn và được quyền tự do làm công việc của họ, có điều kiện tập hợp bạn bè đồng nghiệp để làm việc.

Nhưng thực tế cho thấy một số bạn bè tôi, dưới tuổi tôi, nhiều người gặp khó khăn. Rất nhanh chóng, họ bị cuốn vào cách làm việc hiện tại. Đương nhiên, tôi không chỉ trích cách làm việc này nhưng rõ ràng thời gian họ tập trung vào nghiên cứu khoa học đơn thuần rất ít, trong khi họ mất rất nhiều thời gian vào những công việc khác. Cuộc sống ở đây, công việc ở đây bắt buộc họ như vậy.

* GS là người nghiên cứu về toán học nhưng cũng là người viết sách, chăm chút từng câu từ. Theo GS, văn học có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người?

- Tôi nghĩ là tất cả những người làm khoa học tự nhiên cũng như trong ngành nghệ thuật, việc chăm chút câu từ là rất quan trọng. Trong mỗi phát ngôn, những cái mình viết ra phải được diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc. Điều đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng bạn đọc, tôn trọng người đối thoại với mình mà cũng là tôn trọng chính mình, làm cho tư duy của mình sáng sủa hơn. Ngôn ngữ quyết định tư duy của mình. Tự bằng lòng trong cách diễn đạt mập mờ thì suy nghĩ của họ cũng không thông được.

* GS chia sẻ mình từng không phải là người yêu toán. Vậy điều gì đã khiến GS yêu toán học như hôm nay?

- Tôi thực sự không thích thú lắm với môn toán, cũng thích nhưng không phải thích thú. Học ở trường thực nghiệm vui lắm, học vẽ thích lắm, học mỹ thuật, vẽ bánh xe, cơ chế chuyển lực…

Sau khi lên cấp 2, cụ thân sinh tôi đi Liên Xô về và không muốn tôi tiếp tục học ở trường thực nghiệm. Khi thi sang trường chuyên toán, tôi bị trượt. Lúc ấy, tôi khó chịu lắm, nghĩ mình học rất giỏi sao lại thi trượt. Cũng nhờ một số thầy cô giáo thân quen, bạn bè, học trò của bố tôi dạy thêm về toán,  lúc đó tôi mới bắt đầu tiếp xúc với những bài toán khó. Đó là một trong những đặc điểm của các em học sinh thích môn toán. Các em thường thích làm những bài toán khó, càng làm những bài toán khó càng yêu toán hơn.

Hiện tại, người ta cứ nghĩ là cần phải làm nhẹ chương trình vì nặng quá. Tôi đồng ý nhưng không nên nhẹ quá đến mức tẻ nhạt. Đặc điểm của học sinh yêu toán là toán càng khó thì càng thích để có điều kiện chứng tỏ mình. Nếu việc học tẻ nhạt thì chẳng có cách gì học sinh thích học tập.

Người ảnh hưởng lớn nhất đến tôi (với tư cách nhà khoa học) chính là thầy giáo người Pháp của tôi, GS Gerard Laumon, người đã hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi. Thầy Laumon không có nhiều học sinh lắm, chỉ dưới 10 người nhưng trong nhóm học trò của ông có một cô bây giờ trên 30 tuổi. Lúc nhận chức GS của ĐH Harvard, bạn ấy chưa đến 30 tuổi.

Tôi thực sự vẫn chưa biết thầy Laumon sắp xếp thời gian như thế nào. Mỗi lần tôi có việc gì gọi điện thoại cho ông để hỏi chuyện, ông nói chuyện quá 2 giờ mà không bao giờ cảm thấy thiếu thời gian. Ngay đến bây giờ, tôi và bạn bè đã trưởng thành, ông vẫn thường xuyên cứ mỗi tháng gọi điện thoại một lần cho từng người, hỏi xem có việc gì không, có chuyện gì buồn không? Đó là một con người tuyệt vời…
 

“Cầu nối…” nối các nền văn hóa

Chiều 13-3, GS Ngô Bảo Châu đã giảng về phương pháp học tập tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á. GS Ngô Bảo Châu là nhà khoa học thứ năm đến Việt Nam theo chương trình “Cầu nối”... lần thứ tư tại Đông Nam Á. Trước đó, GS Roger B.Myerson (Nobel Kinh tế), GS Harald zur Hausen (Nobel Y học), GS Douglas D. Osheroff  (Nobel Vật lý) và GS Sir Harold W. Kroto (Nobel Hóa học) đã đến Việt Nam giảng dạy.

   Mục tiêu của “Cầu nối…” là tạo điều kiện tăng cường đối thoại và thông tin liên lạc giữa các nền văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo trong khu vực Đông Nam Á với các nước nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

GS Ngô Bảo Châu sẽ làm việc tại Việt Nam trong 1 tuần. Sau buổi giảng dạy ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ là Trường ĐH Mở TPHCM (15-3). Cũng tại TPHCM, GS Ngô Bảo Châu sẽ nói chuyện với học sinh khiếm thị, học sinh trường quốc tế Anh.      
V. Hy
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo