Sở hữu đội ngũ các nhà khoa học đông đảo, hàng đầu cả nước, trong đó có nhiều nhà khoa học trẻ nhưng đến nay hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) TP HCM vẫn còn khá trầm lắng. Các kết quả sau nghiên cứu chưa đi được vào đời sống xã hội, thị trường KH-CN phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Kinh phí… tượng trưng
Ông Phạm Văn Xu, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN TP HCM), cho biết giai đoạn 2011- 2014, TP HCM đã đầu tư kinh phí hơn 386 tỉ đồng triển khai thực hiện 562 đề tài nghiên cứu. Tỉ lệ các đề tài được ứng dụng trực tiếp đạt mức cao (38%). Dù vậy, kinh phí hiện là một rào cản không nhỏ đối với các nhà khoa học trẻ trong nghiên cứu khoa học (NCKH).
ThS Huỳnh Thư (Trường ĐH Bách khoa TP HCM) cho biết khó khăn thứ nhất phải kể đến là kinh phí cho NCKH. Ví dụ như chương trình Vườn ươm Sáng tạo KH-CN Trẻ của TP HCM hằng năm cấp kinh phí 80 triệu đồng/đề tài cho khoảng 40 đề tài NCKH trong nhiều lĩnh vực. Con số 40 đề tài so với số nhà nghiên cứu trẻ đang làm việc ở hàng trăm trường, viện và trung tâm NCKH trên địa bàn TP là quá ít. Còn tại các trường ĐH, kinh phí cấp cho mỗi đề tài sinh viên nghiên cứu chỉ dao động trong vài triệu đồng. “Những con số này chỉ mang tính tượng trưng chứ không thể nào đủ cho một công trình khoa học dù rất nhỏ” - ThS Thư nói.
Có một thực trạng là các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay đang làm việc rất rời rạc, có rất ít mối quan hệ giao lưu học hỏi giữa các bạn trẻ cũng như sự gắn kết giữa các thế hệ khoa học với nhau. Điều này khiến cho các nhà khoa trẻ ít có được nguồn thông tin, nắm bắt được các thông tin mới.
Bên cạnh đó, ngay từ trong trường học, việc định hướng NCKH sao cho bám sát với thực tiễn còn chưa tốt. Đa phần các bạn trẻ sau khi học xong đã vào làm việc ngay tại các trường, viện ít có cơ hội tiếp xúc với thực tế và doanh nghiệp. Đây là lý do làm hạn chế khả năng ứng dụng của các nghiên cứu, khiến sản phẩm làm ra khó tiếp cận với thị trường.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM, cho biết hạn chế lớn nhất của Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM hiện nay là chưa có điều kiện khai thác hết tiềm năng của đội ngũ khoa học, trí thức trẻ và chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, cơ chế quản lý NCKH tuy có nhiều cải tiến nhưng chưa như mong muốn. “TP HCM đã đề xuất và được Bộ KH-CN chấp thuận áp dụng cơ chế đặt hàng để hạn chế tình trạng các nhà khoa học gặp khó khăn khi xin kinh phí nghiên cứu. Tuy nhiên, cơ chế này hiện triển khai chưa nhiều” - ông Giao chia sẻ.
Cần sớm được tháo gỡ
Mong muốn của các nhà khoa học trẻ là sớm được tháo gỡ các khó khăn tiếp tục an tâm nghiên cứu, sáng tạo và đóng góp cho KH-CN TP HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trong đó, mong muốn lớn nhất của các nhà nghiên cứu là tăng mức kinh phí cho các công trình nghiên cứu.
“Cần tạo cầu nối để các nhà nghiên cứu trẻ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi cũng như hiểu biết thêm về thực tế xã hội để từ đó tìm ra định hướng nghiên cứu phù hợp, đáp ứng được cho xã hội, đồng thời có thể cùng DN tháo gỡ các khó khăn vướng mắc” - ThS Huỳnh Thư nói.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Giao mong muốn cơ quan quản lý cần phải triển khai rộng, mạnh mẽ hơn nữa cơ chế đặt hàng để hạn chế khó khăn về kinh phí cho nhà khoa học.
TS Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, chia sẻ kinh nghiệm rằng để có thể NCKH tốt hiện nay các bạn trẻ cũng nên phải tự “chủ động”. Bên cạnh ngân sách được cấp, các nhà nghiên cứu trẻ có thể tự tìm kiếm thêm những nguồn kinh phí khác. Phải có ý tưởng nghiên cứu tốt, một khi có ý tưởng tốt thì nghiên cứu sẽ có khả năng thành công cao.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP HCM, cho biết: “Trong thời gian tới, để tiếp tục khơi dậy niềm đam mê NCKH và sáng tạo của giới trẻ TP HCM, sở sẽ cùng với Thành Đoàn và các sở, ban, ngành có liên quan sẽ tiếp tục đầu tư đẩy mạnh các cuộc thi NCKH sâu rộng đến với giới trẻ. Ngoài ra, sở cũng sẽ tạo cơ chế và điều kiện về nguồn lực để gắn kết các hoạt động sáng tạo, NCKH của các nhà khoa học trẻ thông qua việc tổ chức chương trình cụ thể như: sân chơi khoa học cuối tuần, sân chơi khoa học vui, chương trình trí thức khoa học trẻ tình nguyện, chuyến xe tri thức… để tạo thành một chuỗi các hoạt động xuyên suốt.
Trong tương lai, sở cũng sẽ nghiên cứu, tạo những thể chế để hình thành những sân chơi đặc thù, những công trình bảo tàng về KH-CN để giới trẻ có môi trường tham quan, học hỏi và sáng tạo.
Cơ quan quản lý cần phải triển khai rộng, mạnh mẽ hơn nữa cơ chế đặt hàng để hạn chế khó khăn về kinh phí cho nhà khoa học.
Bình luận (0)