Theo các giáo viên, có 3 lỗi mà thí sinh hay mắc phải là: Sai chính tả, ngữ pháp; không nắm tác phẩm, tác giả dẫn đến suy diễn viết sai; cảm thụ văn học hời hợt, nông cạn thậm chí là dung tục.
Nhiều giáo viên chấm thi tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: Trong một túi bài thi, với 46 bài thì có đến 40 bài có sai lỗi ngữ pháp. Ví dụ như: “Mị bị chói”, “rừng xà nu tre trở”, “hết sức giữ giội”, “rặn liễu đìu hiu”... Thí sinh thường bỏ dấu hỏi và ngã lẫn lộn. Viết câu thiếu mạch lạc, ít cảm xúc, ít ý tưởng riêng, độc đáo. Có bài viết dài nửa trang mới chấm câu hoặc cả bài chỉ có một dấu chấm duy nhất nằm ở cuối bài.
Trong đề thi có phần thi kiến thức, chủ yếu trong sách giáo khoa, giúp thí sinh kiếm điểm nhưng nhiều thí sinh lại bị mất điểm phần này do không nắm kiến thức. Đề thi yêu cầu phân tích ý nghĩa “hình ảnh con tàu” và “địa danh Tây Bắc” thì thí sinh viết Tây Bắc là: cố đô, Tây Nguyên, vùng biển duyên hải, thậm chí là miền Tây... Có bài thi còn viết: “Tác giả sáng tác trong một chuyến ra khơi đánh cá, vui mừng vì bắt được nhiều cá”. Do không nắm vững tác giả, tác phẩm, các thí sinh cứ tùy tiện bay bổng. Có thí sinh “biến tấu”: “Mị nấu cháo hành cho A Phủ ăn”, “Cây xà nu che chở cho làng Vũ Đại” (nhầm sang tác phẩm Chí Phèo). Do không nhớ tác phẩm, có thí sinh viết: “Sóng không hiểu nổi mình, sóng bò ra tận bể”, thay vì : “sóng tìm ra tận bể”. Có thí sinh còn trao giải Nobel cho nhà văn Việt Nam: “Tác phẩm Vợ chồng A phủ của nhà văn Tô Hoài được giải thưởng Nobel”.
Trong lúc chấm bài, nhiều giáo viên không thể chịu nổi kiểu cảm thụ văn học hết sức kỳ lạ của thí sinh. Có thí sinh viết sai chính tả: “Rặn liễu đìu hiu đứng chịu tang” và “bình loạn” rằng: “Rặn ở đây không phải là rặn tại chỗ...”. Hoặc có thí sinh viết: “Xuân Diệu là nhà thơ hiện đại. Ngày xưa, phụ nữ phải quỳ để chịu tang. Ngày nay, Xuân Diệu cho phụ nữ đứng chịu tang”. Với câu thơ: “Tóc buồn buông xuống lệ hàng hàng”, có thí sinh phân tích: “Khi người ta buồn, tất cả bộ phận trên cơ thể đều buồn”. Còn với câu: “Đây mùa thu tới - mùa thu tới” thì có thí sinh phân tích rằng: “Nhà thơ hét lên đây mùa thu tới để mọi người tới chung vui”.
Bình luận (0)