Sự việc học sinh (HS) lớp 10 đánh bạn kinh hoàng ngay trong lớp học tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP HCM) trong khi nhóm bạn xung quanh thờ ơ đứng nhìn, quay phim một lần nữa dấy lên những lo ngại về nạn bạo lực học đường, xuất phát từ những mâu thuẫn không được nhận diện và giải quyết.
Sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết theo tìm hiểu ban đầu, 2 nữ sinh đánh nhau trong clip đã có mâu thuẫn từ năm lớp 9, sự việc xảy ra từ ngày 10-3 và đến ngày 12-3 thì được đưa lên mạng xã hội. Nhà trường đã có 3 lần làm việc với các HS này và phụ huynh của các em, đồng thời báo cho cơ quan công an và Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng đã có buổi làm việc với nhà trường. Sau đó, dựa trên mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp.
Các chuyên gia giáo dục và nhiều nhà giáo cho rằng bạo lực học đường ngày càng phức tạp, khó nhận diện. Nguyên nhân là tâm lý HS ngày nay khác trước rất nhiều, các em dậy thì sớm nên tâm lý cũng phát triển theo; HS cũng được tiếp cận với nhiều luồng thông tin từ internet, trong đó không ít những thông tin vô bổ, lệch lạc. Khi không có sự quan tâm, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì các em sẽ bắt chước, hành động y như vậy và cho đó là "oai", mới xứng đáng là chơi trội, "anh hùng". Một ánh nhìn bình thường cũng có thể bị cho là… nhìn đểu, một bình luận vô tình trên Facebook cũng bị quy kết rồi mâu thuẫn, cả chuyện học trò yêu đương, ghen tuông… đều rất phức tạp.
Hai nữ sinh đánh nhau trong lớp học tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP HCM. (Ảnh cắt từ clip)
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng riêng với 2 nữ sinh đánh nhau là đã sai rõ ràng và phải có hình thức xử phạt phù hợp. Nhưng với những HS quay clip, cần nhận diện các em quay để làm gì hay chỉ để mua vui. Sự thờ ơ của những HS trong lớp cũng rất đáng lên án. Tuy nhiên, thật ra đây cũng là tâm lý chung của học trò và xã hội, không muốn can dự để liên lụy đến bản thân. Thầy Chính cũng đề xuất việc đầu tiên là phải giáo dục đạo đức cho HS ngay trong lớp này. Đó là HS nếu có mâu thuẫn thì không một mình giải quyết, mà nên thông báo cho gia đình, giáo viên. Còn trong trường hợp nếu thấy bạn đánh nhau thì mình làm gì? Nếu mình đủ nghị lực thì đứng ra ngăn cản, còn sợ thì tìm cách rời khỏi hiện trường và thông báo cho người lớn.
Mâu thuẫn nghiêm trọng cần can thiệp
Tiến sĩ (TS) tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM, phân tích khi mâu thuẫn nảy sinh, người trong cuộc thường thiếu sáng suốt vì đang nóng giận, khó mà chịu nghe đối phương thuyết phục. Vì vậy, cần một người thứ ba sáng suốt thuyết phục. Nếu những lời hay lẽ phải được truyền đạt từ một người khác có đủ cả uy tín và thành ý thì sẽ dễ lọt tai hơn. Những mâu thuẫn có tính chất nghiêm trọng thì nên nhờ đến sự can thiệp của người lớn như thầy cô, bố mẹ để kịp thời giải quyết.
TS Phạm Thị Thúy cho rằng nếu những mâu thuẫn của học trò được quan tâm giải quyết đến cùng thì sẽ có tác động tích cực. Quá trình tìm cách hóa giải mâu thuẫn sẽ làm cho người ta gần nhau hơn, thân nhau hơn. Những mối quan hệ hay tình bạn nếu không có mâu thuẫn sẽ rất hời hợt nhưng một khi đã có mâu thuẫn mà không giải quyết thì quan hệ sẽ ngày càng xấu đi.
Theo TS Thúy, trước hết, HS cần biết quản lý cảm xúc của mình, để khi xảy ra xung đột có thể kiểm soát được bản thân. Bắt đầu từ những va chạm rất nhỏ thường ngày, hãy thay đổi suy nghĩ, phân tích sự việc theo hướng tích cực để có thể thông cảm với người khác. Từ những chuyện nhỏ, nếu kiểm soát được cảm xúc thì khi gặp sự cố lớn, bạn cũng có thể dễ cảm thông và sẽ hành xử khôn ngoan hơn.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM), cho rằng xung đột dẫn đến ẩu đả, bạo lực ngay trong lớp học đã nhức nhối. Tuy nhiên, thái độ của những HS khác trong lớp mới khiến chúng ta lo âu. Theo bà Thủy, không phải HS bây giờ vô cảm, vấn đề là các em chưa được trang bị kỹ năng nhận diện và xử lý tình huống. Các em sẽ lựa chọn cách mà mình cho là dễ nhất đó là không quan tâm, sợ dính líu phiền phức. "Không phải đến lúc này, ngay từ nhỏ, các em phải được trang bị cách thức nhận diện và bày tỏ; dần sẽ thành phản xạ và kỹ năng. Trong môi trường học đường không thể chấp nhận lối hành xử "chị đại". Thủ lĩnh, kẻ mạnh thực sự là người hiểu chuyện, đúng sai phân minh, lý tình thấu đáo để có thể nắm tay và nâng người khác trên đôi vai của mình. "Trong học đường, nếu HS có kỹ năng và biết bày tỏ thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được những hành vi xấu và bạo lực. Không nói ai nặng, ai nhẹ về trách nhiệm của gia đình, xã hội và nhà trường nhưng chắc chắn các em cần được gia đình chỉ dạy, quan sát và uốn nắn từ bé" - bà Thủy nói.
Hóa giải mâu thuẫn
Theo TS tâm lý Phạm Thị Thúy, để giải quyết mâu thuẫn, trước hết cần xác định được nguyên nhân và vấn đề cốt lõi của mâu thuẫn đó. Có thể tìm hiểu thông tin, thu thập ý kiến từ những người xung quanh. Khi đã làm rõ được vấn đề, hãy lập kế hoạch để tiếp cận đối tượng theo cách có thể làm cho đối tượng dễ dàng nhận ra thành ý của mình nhất. Sau đó, tìm cách giải thích để hóa giải hiểu lầm, tìm sự cảm thông, chia sẻ từ đối tượng. Hiểu lầm mà được giải thích do những người ngoài cuộc thì bao giờ cũng dễ chấp nhận hơn.
Bình luận (0)