Ông Trần Văn Hùng, Hiệu phó Trường TH Du lịch - Khách sạn, cho biết: Ðây không phải là tour du lịch thông thường mà là một chương trình thử sức. Chúng tôi thiết kế tour nhập môn này vừa có lên rừng, xuống biển, tiếp xúc với nhiều điều kiện thiên nhiên khác nhau. Mục đích là thử sức chịu đựng, sức khỏe và đánh giá khả năng đáp ứng cần có của một học sinh (HS) để có thể theo học ngành hướng dẫn viên du lịch. Sau khi trở về, các em sẽ phải làm một bài thu hoạch về tất cả những gì đã được hướng dẫn, cung cấp trong quá trình đi. Những HS không đáp ứng được yêu cầu sẽ buộc phải chuyển ngành.
Tại Trường CÐ Công nghiệp 4 cũng đã có một kiểu “nhập môn” khác: Tổ chức 3 ngày triển lãm tại sân trường với sự tham gia của tất cả các khoa. Mỗi khoa một gian hàng trưng bày những mô hình, học cụ, các sản phẩm nghiên cứu khoa học do giáo viên, HS cũ thực hiện; các chương trình, giáo trình học... Mỗi gian hàng là hình ảnh thu nhỏ của một khoa. Ông Tạ Xuân Tề - hiệu trưởng nhà trường, nói: “Ðây gọi là chương trình “nhập môn” trường thực hiện năm đầu tiên, nhằm giúp HS khóa mới có thực tế hơn về các ngành học và xác định tốt hơn khả năng phù hợp với ngành học của mình”... Sau lễ “nhập môn”, mỗi trường có khoảng 10% HS xin chuyển đổi ngành, nghề.
Một giáo viên khoa cơ khí Trường TH Phú Lâm cũng có cách “nhập môn” rất đặc biệt cho HS của mình. Ngay sau lễ khai giảng, giáo viên này đã triệu tập tất cả HS mới ngành cơ khí tham dự buổi “nhập môn” tại xưởng thực hành. Trước khi tham quan, mỗi HS sẽ phải nhúng tay vào một bát nhớt. Giáo viên này nói: “Tôi muốn đem đến cho các em một hình ảnh thực tế nhất của nghề nghiệp. HS học cơ khí, làm về cơ khí thì không được ngại “bẩn” và phải yêu nghề mình đã chọn...”.
Bình luận (0)