Khá nhiều đại biểu đến từ các trường ĐH đã bày tỏ nỗi lo ngại về tính chính xác, công bằng trong việc chọn lựa thí sinh vào ĐH theo hình thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại hội thảo Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ tại VN, do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 19-12.
Lo chất lượng “đầu vào”
Theo PGS-TS Nguyễn Phương Nga, ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ mang tính chất kiểm tra kiến thức tối thiểu nên lấy kết quả này để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH sẽ không kiểm chứng được năng lực thực sự của thí sinh. Còn TS Đồng Thị Tuyết Hạnh, Trung tâm Kiểm định và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TPHCM, bày tỏ băn khoăn: “Việc gộp chung hai kỳ thi có mục đích khác nhau liệu có bảo đảm được tính chính xác trong tuyển chọn và chất lượng “đầu vào” của các trường ĐH, CĐ sẽ ra sao?”. Theo đại biểu này, nếu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả đó để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì các trường vẫn phải tổ chức một kỳ xét tuyển riêng để chọn những thí sinh có đủ điều kiện và phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Trong lúc đó, GS-TS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT, lo ngại: “Nếu lấy kết quả học tập THPT làm căn cứ xét tuyển vào ĐH thì học bạ của nhiều học sinh sẽ bị “biến hóa”. Do đó, theo GS-TS Lâm Quang Thiệp, nên tổ chức nhiều kỳ thi cho các học sinh cuối bậc phổ thông để sàng lọc dần và chọn được những thí sinh có năng lực thực sự vào giảng đường ĐH.
Nên để các trường tự quyết
Nhiều đại biểu cho rằng việc thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT rồi lại đổ dồn lên TP dự thi ĐH như hiện nay gây lãng phí không nhỏ về thời gian, kinh phí cho thí sinh, người nhà thí sinh, cho các trường ĐH cũng như toàn xã hội. Do vậy, nhiều đại biểu đề nghị bộ không nên trì hoãn việc bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH. “Bộ không thể ôm mãi việc tuyển sinh mà nên giao cho các trường. Đa dạng hóa hình thức tuyển sinh là một khâu của quá trình tự chủ” - TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH và Sau ĐH Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nói. Tuy nhiên, việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thế nào để bảo đảm tính chính xác là điều nhiều đại biểu còn băn khoăn. “Nếu giao cho các tỉnh tổ chức kỳ thi này thì việc bảo đảm điều kiện chất lượng phụ thuộc vào trình độ và trách nhiệm của các tỉnh” - TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng Ban ĐH và Sau ĐH, ĐH Quốc gia TPHCM, nói. Còn TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nêu giải pháp: Các trường ĐH căn cứ hồ sơ xét tuyển (học bạ, các môn thi tốt nghiệp THPT) sơ tuyển những thí sinh đáp ứng yêu cầu tuyển sinh. Chỉ những ứng viên đáp ứng được những nhu cầu về hồ sơ mới được phỏng vấn hoặc dự kỳ thi của trường ĐH. “Các trường ĐH sẽ tự quyết định hình thức thi hay xét tuyển nhằm chọn đúng những thí sinh có năng lực để đạt được những kết quả mong đợi sau đào tạo”- TS Nguyễn Kim Hồng nói.
Cần có lộ trình cho việc bỏ thi ĐH Các đại biểu cũng cho rằng cần phải có lộ trình chứ không thể ngay lập tức bỏ kỳ thi ĐH. “Với tư cách là nhà quản lý, tôi phải cẩn trọng hơn và không dám bỏ ngay lập tức kỳ tuyển sinh ĐH mà cần có sự cải tiến như thế nào đó cho xã hội yên tâm hơn” - TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết. Một số đại biểu cho rằng nếu bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH đột ngột sẽ gây ra rối loạn rất lớn. “Hàng chục ngàn người sẽ chen nhau nộp đơn vào các trường ĐH có tiếng, còn những trường khác lại phải đối mặt với việc không có thí sinh” - TS Nguyễn Đức Nghĩa hình dung ra “kịch bản” về việc bỏ thi tuyển sinh ĐH. PGS-TS Nguyễn Phương Nga cũng đề nghị cần phải có thời gian trước khi quyết định bỏ kỳ thi này để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh những rủi ro. |
Bình luận (0)