Trong 3 năm tổ chức thi THPT quốc gia thì năm 2017 là năm có số lượng thí sinh (TS) vi phạm quy chế ít nhất (năm 2015 số TS vi phạm quy chế là 776, năm 2016 là 328, năm 2017 chỉ 72 trường hợp). Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao kỳ thi năm nay lại thành công ở góc độ tổ chức?
Giảm phạm quy nhờ thi trắc nghiệm?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi TS trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số TS vi phạm quy chế giảm nhiều so với những năm trước.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng phương pháp thi trắc nghiệm thật sự giảm được TS vi phạm quy chế. Cụ thể, TS không có thời gian để quay cóp do làm bài thi trắc nghiệm. Nhưng với bài thi này, ngoài những câu hỏi có tính chắc chắn đúng, TS cũng có thể đánh ngẫu nhiên phương án trả lời mà không biết đúng hay sai, việc này có thể giúp TS gỡ điểm. Do vậy, TS không cần phải quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi.
Thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi thi tổ hợp khoa học xã hội Ảnh: Hoàng Triều
Đại diện một trường ĐH tại TP HCM cho rằng thi theo hình thức trắc nghiệm cũng giảm tiêu cực. Nhưng năm nay, kỳ thi giao về cho địa phương chủ trì thì cũng có những hình thức giảm nhẹ đối với TS tỉnh nhà theo hướng "nhẹ tay" hơn với TS. Chính vì vậy, lượng TS vi phạm giảm mạnh so với các cụm thi do các trường ĐH chủ trì các năm trước.
Quá áp lực, căng thẳng ở bài thi tổ hợp
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều TS sau buổi thi khoa học tự nhiên cho biết đề thi tổ hợp quá dài, nhiều TS vì mệt mỏi nên "đánh lụi", nhất ở môn thi thành phần là môn sinh học.
Một giáo viên tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) nhận xét rằng chỉ xem 5 đến 10 mã đề thi là thấy có sự bất hợp lý, đó là mức độ khó - dễ giữa các mã đề không tương đương nhau nên thiệt thòi cho TS. Giáo viên này cũng cho rằng lúc trước, 50 câu hỏi trong 1 buổi thi đã khiến TS căng não, huống gì giờ đây tăng lên 120 câu trong một buổi. Không những là số câu, việc duy trì bài thi tổ hợp còn bất lợi cho TS trong quá trình xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chẳng hạn, TS dùng khối A1 để xét tuyển thì chỉ cần làm bài tốt môn thành phần vật lý. Nhưng với TS xét tuyển bằng khối B thì quá thiệt thòi, làm xong môn vật lý đã mệt, còn phải dành sức làm tròn 2 môn còn lại, đó là chưa kể ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của TS.
Một bất hợp lý nữa của bài thi tổ hợp là việc phân bổ số câu hỏi trong bài thi không tương xứng với lượng kiến thức của từng môn trong phân phối chương trình. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), cho rằng thời gian các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp có sự bất hợp lý. Thầy Đăng Du lý giải: Việc phân bổ đồng đều 40 phút/môn có sự bất hợp lý và vênh nhau rất lớn so với khối lượng kiến thức, thời lượng của từng môn trong phân phối chương trình. Ba môn, lượng kiến thức khác nhau nhưng khi kiểm tra, đánh giá lại đánh đồng thời gian như nhau là không ổn. "Chương trình môn lịch sử lớp 12, các em học cả lịch sử thế giới và Việt Nam, tổng cộng 21 chương trong khi môn giáo dục công dân, các em chỉ học 9 bài nhưng cùng làm bài thi trong 40 phút. Việc đánh giá kiến thức 21 chương lịch sử trong 40 câu là quá nặng cho TS" - thầy Du nói.
"Nếu vẫn duy trì bài thi tổ hợp thì Bộ GD-ĐT nên xem lại lượng kiến thức từng môn sao cho đồng đều hoặc kiến thức nào là chủ đạo để phân phối thời gian hợp lý" - thầy Du đề nghị.
Nên tích hợp câu hỏi các môn trong đề thi
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, cho rằng việc sắp xếp thi 3 môn trong tổ hợp môn kéo dài suốt gần 180 phút gây áp lực quá căng thẳng đối với TS, nhiều TS không thi đủ 3 môn nhưng vẫn phải ngồi chờ hết giờ thi mới được rời khỏi phòng thi là bất hợp lý.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng nên tổ chức tích hợp các môn thi trong từng câu hỏi của đề thi, điều này sẽ tốt hơn rất nhiều so với đề thi tổ hợp với các môn thành phần như năm nay.
Bình luận (0)