Thông tin này được đưa ra tại chương trình tập huấn công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, ma túy và các chất gây nghiện trong trường học năm học 2023 – 2024 do Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức ngày 22-11.
Theo BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), các công ty sản xuất thuốc lá đã chi khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút giới trẻ.
Theo thống kê của Trường ĐH Y tế công cộng, các công ty sản xuất thuốc lá đang hướng tới sử dụng những người nổi tiếng (KOLs)… để quảng cáo, đăng ảnh sản phẩm, bài viết trên các trang mạng xã hội.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, có 72 bài đăng quảng cáo thuốc lá trên Facbook là từ tài khoản của các Macro-influencer (là những tài khoản có hơn 100.000 người theo dõi), tất cả đều là quảng cáo thuốc lá điện tử.
Những chiêu trò quảng cáo tinh vi như: Sản phẩm thuốc lá điện tử với nhiều kiểu dáng thiết kế sành điệu, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi, hương vị mới lạ làm cho giới trẻ coi nhẹ các rủi ro đối với sức khỏe. Quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường... với các thông điệp tinh vi, như: Giúp người dùng hạn chế được tối đa các chất độc hại có trong thuốc lá truyền thống. Với mong muốn xây dựng một tương lai không khói thuốc....
Theo BS Đinh Thị Hải Yến, nhiều chiêu trò quảng cáo thuốc lá điện tử rất tinh vi nhằm tiếp cận học sinh, sinh viên
Những chiêu trò tinh vi trên khiến người trẻ nghĩ thuốc lá điện tử là hàng công nghệ với thiết kế thời trang đầy sức hấp dẫn, thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống, vì chứa ít nicotine, ít chất độc, có mùi hương dễ chịu, không hôi, không ám mùi... Nhưng sự thật là với thuốc lá điện tử, người hút thuốc dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường.
Thuốc lá điện tử có 15.000 loại hương vị. Các chất độc được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. "Vì vậy, thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. Đến nay, đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Tại Đông Nam Á, có 5 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng" - BS Đinh Thị Hải Yến thông tin.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hiện nay, học sinh, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy và các chất gây nghiện dưới các hình thức thực phẩm trá hình như: kẹo, trà sữa hoặc dạng bóng cười, shisa, cỏ mỹ và thuốc lá mới nên công tác bảo vệ thế hệ học sinh, học viên trước sự tấn công của ma túy và các chất gây nghiện là nhiệm vụ rất quan trọng.
Cũng theo ông Dũng, công tác phòng, chống ma túy, thuốc lá trong trường học hiện nay phải bám sát thực tế của từng đối tượng người học. Nhà trường chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tệ nạn ma túy trong trường học; tạo môi trường học tập lành mạnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cơ sở giáo dục và địa bàn TP.
Các thầy cô cần nắm được hoàn cảnh của từng học sinh để từ đó có thể tập trung chăm lo cũng như giáo dục vào các em có nguy cơ cao như: học sinh có bố, mẹ đi làm ăn xa hoặc có liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, học sinh cá biệt, nghiện game,… để các em tránh xa ma túy và không bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường mua bán hoặc sử dụng ma túy.
Đồng thời, mỗi nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, học viên, học viên; kiểm tra, xét nghiệm ngẫu nhiên việc sử dụng ma túy và xét nghiệm đột xuất khi có dấu hiệu nghi ngờ về sử dụng ma túy đối với học sinh, học viên, sinh viên nhằm rà soát, phát hiện việc sử dụng, tàng trữ các chất ma túy hoặc gây nghiện khác.
Bình luận (0)