Từ năm 1957 đến nay, trường đã trải qua 3 giai đoạn phát triển: Trường ĐH Văn khoa (thuộc Viện ĐH Sài Gòn), Trường ĐH Tổng hợp TP HCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH và NV) - ĐHQG TP HCM.
PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH và NV, cho biết vào tháng 11-2017, nhà trường kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển. Trường đang thực hiện các giải pháp nhằm khẳng định định hướng, chiến lược và triển vọng phát triển nhà trường trong giai đoạn mới, hướng đến một đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, khẳng định tính đúng đắn của triết lý giáo dục "Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa".
Dịp này, nhà trường công bố danh sách 60 cựu sinh viên tiêu biểu qua các giai đoạn phát triển ở các lĩnh vực như khoa học- giáo dục, chính trị- xã hội, kinh tế, văn hóa- nghệ thuật như: Ông Trương Tấn Sang - Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội; ông Võ Văn Thưởng- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; GS.TS Huỳnh Như Phương; nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã …
Vị hiệu trưởng nhà trường cho biết các cựu sinh viên tiêu biểu sẽ được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn vào sáng 20-11.
Chương trình kỉ niệm 60 năm hình thành và phát triển nhà trường gồm nhiều hoạt động như: Cuộc thi sáng tác biểu trưng kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển trường; Hội nghị cựu sinh viên; Cuộc thi Sáng tác văn, thơ, nhạc - Sưu tầm tài liệu, hiện vật "Ký ức 60 năm Văn khoa - Tổng hợp - Khoa học xã hội và nhân văn".
Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí, người đứng đầu nhà trường cho biết tới đây sẽ giảm tối đa quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học- hệ mang về nguồn thu lớn cho trường.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động, rằng việc cắt giảm quy mô có ảnh hưởng đến nguồn thu của trường trong khi thu nhập của giảng viên của trường không cao? PGS.TS Võ Văn Sen, thông tin: trong số 984 giảng viên của trường có khoảng 70 người có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng.
Ông cũng cho biết trường có ý muốn trợ cấp thêm thu nhập nhưng có trên 30 người từ chối vì nhà có công ty riêng. Chỉ còn hơn 30 người có mức lương thấp, nhưng so với tổng số giảng viên thì con số này không đáng kể.
Dưới 4 triệu đồng/tháng là mức lương theo quy định; ngoài ra giảng viên còn có thêm thu nhập khác như dạy thêm ngoài giờ, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học...
Cũng theo ông Sen, hiện tại trường đã giảm tối đa hệ vừa làm vừa học từ 8.000 sinh viên xuống còn 3.000 nhưng việc giảm chỉ tiêu không ảnh hưởng tới thu nhập vì thầy cô có thu nhập bù từ công việc khác.
Cũng câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc hiện tượng giảng viên của trường đi dạy cho các trường khác, ông Sen bày tỏ: "Trường không thể cấm chuyện này, vì đây là khó khăn chung của trường ĐH Việt Nam hiện nay. Chúng tôi không thể bắt các giảng viên phải toàn tâm toàn ý cho trường mình vì ngay cả Trường ĐH Quốc tế - trả lương giảng viên hơn 20 triệu đồng/tháng- cũng không cấm được giảng viên đi dạy ở trường khác. Bởi, dẫu có trả cao như mức trên cũng "thua rất xa" mức thu nhập khi dạy thêm, thậm chí còn không bằng những trường chỉ trả lương 7- 8 triệu/tháng mà cho giảng viên đi dạy bên ngoài".
Theo ông Sen, giảng viên "chạy sô" là do lực lượng giảng viên có trình độ cao quá ít, lại chủ yếu tập trung ở các trường công lập.
Đặc biệt có nhiều trường đại học chỉ có 5-10 tiến sĩ cơ hữu trong khi có hàng chục ngàn sinh viên; vì vậy phải "mượn" tên giảng viên trường khác, nhất là trường tư "mượn" trường công.
Cũng theo ông Sen, hiện nay chỉ quy định nếu giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ tại chỗ sẽ không được đi dạy nơi khác. Trường chỉ có biện pháp duy nhất là quy định về nghiên cứu như công bố khoa học, số lượng giờ giảng để giảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Khi đã hoàn thành, giảng viên có thể đi làm thêm bên ngoài.
Bình luận (0)