Giải thích về lý do điểm sàn vẫn giữ nguyên, sau khi công bố vào ngày 8-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết khi xác định điểm sàn, bộ đã tính toán rất kỹ các tiêu chí như: chỉ tiêu tuyển sinh của từng khối thi, kết quả điểm thi của thí sinh (TS), đặc biệt lưu ý đến yếu tố vùng miền, ngành nghề khó tuyển, những trường/ngành đặc thù hoặc phải đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực đặc biệt cho một số địa bàn.
Nguồn tuyển lớn
Với mức điểm sàn này, nguồn tuyển cho các trường khá lớn. Ví dụ như khối A số lượng dư hơn 1,5 lần số thiếu, khối B số dư/số thiếu là 21 lần, các khối C, D mức dư vẫn tương đương so với năm ngoái. Cụ thể, khối A có 195.096 TS có điểm trên sàn, số TS trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 là 117.785 TS/157.278 chỉ tiêu, số dư còn tới 77.311 TS. Ở khối B, số TS có điểm thi trên sàn là 114.441. Số TS trúng tuyển NV1 là 28.567/29.571 chỉ tiêu, số dư là 85.874 TS. Khối C, số TS có điểm từ sàn trở lên là 28.221, số TS trúng tuyển NV1 là 17.400/23.538 chỉ tiêu, số dư là 10.821 TS. Cuối cùng, ở khối D, số TS có điểm trên sàn là 77.524. Số TS trúng tuyển NV1 là 42.550/56.244 chỉ tiêu, số dư là 34.974 TS. Theo Bộ GD-ĐT, với gần 209.000 TS có điểm trên sàn, trong khi chỉ tiêu còn lại là 60.329, nguồn tuyển NV2, NV3 cho các trường đại học (ĐH) là rất lớn.
Thí sinh thi vào Trường CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM tại Hội đồng thi Chu Văn An. Ảnh: TẤN THẠNH
Thách thức với trường ngoài công lập
Tuy nhiên, điểm sàn như tính toán của Bộ GD-ĐT vẫn thực sự là thách thức đối với các trường ngoài công lập. Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, cho rằng với mức điểm này trường sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu, cho dù việc xét tuyển có kéo dài đến tháng 10. Còn theo ông Lê Công Huỳnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, với mức điểm sàn này, trường cực kỳ khó tuyển.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nói: Chúng tôi đã tính toán giảm điểm chuẩn các ngành khối A 0,5 điểm so với năm ngoái nhằm tạo sự an toàn trong xét tuyển. Năm nay, số TS đạt mức điểm sàn trở lên tại nhiều trường thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển, do vậy mức điểm trên sẽ gây khó khăn cho nhiều trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Các trường sẽ phải gọi số lượng NV2 nhiều hơn và như vậy, khả năng hồ sơ ảo cũng lớn hơn.
Còn thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến nhận xét: Nhiều TS đủ điểm sàn nhưng không muốn xét tuyển vào trường ngoài công lập. Để giải quyết khó khăn trong tuyển sinh, chúng tôi không còn cách nào khác là tăng cường quảng bá để thu hút TS. Tuy nhiên, những năm gần đây những ngành xã hội, nhân văn rất khó tuyển. Với mức điểm sàn không thay đổi, trong khi mặt bằng điểm thấp hơn các năm trước thì việc tuyển sinh cho những ngành này lại càng khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những trường ĐH nhiều năm liền không tuyển được TS cần phải xem lại chiến lược hoạt động. Mở trường ĐH mà không có đủ uy tín thì đúng là khó thu hút được người đến học. Vì vậy, cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, dần dần lấy uy tín của xã hội. Ông Ga cho biết thêm trong năm tới, bộ sẽ siết chặt việc giao chỉ tiêu tuyển sinh. Với những trường ĐH 3 năm liền không tuyển đủ chỉ tiêu được giao, bộ sẽ cắt giảm chỉ tiêu để chuyển sang những trường ĐH khác. Với những trường ĐH 3 năm liền không tuyển sinh được sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Bình luận (0)