TP HCM là một trong các địa phương hoàn thành việc chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 4, 8, 11 cho năm học mới. Theo quyết định của UBND thành phố, bộ SGK lớp 11 được phê duyệt có tổng cộng 15 môn với 62 đầu sách; lớp 8 có 11 môn với 36 đầu sách. Trong khi đó, ở lớp 4 có 27 đầu SGK được phê duyệt.
26 địa phương chưa chọn xong sách
Cũng giống như danh mục SGK lớp 3, 7 và 10 ở năm học trước, danh mục SGK lớp 4, 8, 11 do UBND TP HCM phê duyệt gồm nhiều bộ sách khác nhau, thuộc nhiều nhà xuất bản (NXB) khác nhau. Chẳng hạn ở môn toán chương trình lớp 8 có các đầu sách thuộc 4 bộ SGK cùng được phê duyệt là bộ "Chân trời sáng tạo", "Cánh diều", "Cùng khám phá" và "Kết nối tri thức với cuộc sống".
Tương tự ở môn toán lớp 11 cũng có nhiều đầu sách cùng được phê duyệt thuộc các bộ sách trên. Việc nhiều đầu SGK thuộc nhiều NXB cùng được phê duyệt không phải chuyện "lạ" ở TP HCM, bởi lẽ theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục, các nhà trường được trao quyền chủ động chọn một bộ sách trong danh mục được thành phố công bố, thậm chí có thể chọn mỗi bộ một đầu sách theo sự chủ động của giáo viên (GV).
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết hiện SGK lớp 11 còn thiếu sách Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Ông Quốc cũng thông tin, hiện các phòng, ban chuyên môn đang phối hợp với các NXB để tập huấn GV cốt cán và lên lịch để triển khai trong dịp hè, kịp thời chuẩn bị cho năm học mới.
UBND TP Hà Nội ngày 11-5 cho biết vừa ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 8, lớp 11 và môn lịch sử lớp 10. Danh mục SGK lớp 8 năm học 2023-2024 bao gồm 42 đầu sách của các môn học, thuộc các bộ "Cánh diều", "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Chân trời sáng tạo".
Danh mục SGK lớp 11 gồm 54 đầu sách của các môn học, thuộc các bộ "Cánh diều", "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Chân trời sáng tạo". UBND TP HCM cũng đã công bố danh mục SGK các lớp 4, 8 và 11 sử dụng từ năm học 2023-2024. Bộ SGK lớp 11 được phê duyệt có tổng cộng 15 môn với 62 bộ sách, lớp 8 có 11 môn với 36 bộ sách. Trong khi đó, ở lớp 4 có 27 bản SGK được phê duyệt.
Trên cơ sở danh mục SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt, các Sở GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đề xuất danh mục SGK mới để hội đồng lựa chọn SGK thành phố phê duyệt. Căn cứ các đầu sách đã được phê duyệt, các nhà trường sẽ phổ biến, hướng dẫn giáo viên đưa vào giảng dạy từ năm học mới 2023-2024.
Trong buổi báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Trụ sở Chính phủ ngày 10-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố đã chọn xong SGK lớp 4, 8, 11. Còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.
Nhiều địa phương chưa chọn được SGK, trong khi các bộ sách mới chưa được xuất bản do chưa chốt được giá. Ảnh: DUNG BÙI
Rà soát xong giá trước ngày 15-5
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, vấn đề chủ yếu liên quan đến SGK sẽ thay vào năm nay (lớp 4, 8, 11) bao gồm các nội dung về việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn, tính giá, thẩm định giá, duyệt giá, in, xuất bản, phát hành... Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết Bộ Tài chính cơ bản đã rà soát xong giá SGK lớp 4, 8, 11 và đang yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam rà soát lại các chi phí và kê khai lại.
Từ nay đến ngày 15-5, Bộ Tài chính sẽ rà soát xong giá của tất cả SGK để có cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đề nghị các NXB công bố đầu sách để địa phương thống kê, lựa chọn và các đơn vị in chủ động đáp ứng số lượng. Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hai Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính phải thông báo rộng rãi về tiến độ in sách, kết quả rà soát giá sách để 26 địa phương còn lại kịp thời chọn, đăng ký mua SGK lớp 4, 8, 11.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, cho biết đối với SGK lớp 4, 8, 11, NXB dự kiến phát hành từ ngày 15-6. Tuy nhiên, hiện mới có một số ít địa phương công bố danh mục lựa chọn SGK và hầu hết chưa có số lượng đăng ký sách cần cung ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay với mức giá bình quân là 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ mua SGK cho mượn qua thư viện trường học. Một là hỗ trợ mua SGK cho 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ SGK, hai là 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ SGK và cuối cùng là hỗ trợ học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo.
Chia sẻ về phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng "đi đêm" mua SGK của các NXB. TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh việc phát sách miễn phí tới học sinh nghèo là chính sách tốt, đáp ứng nhu cầu của học sinh nghèo cần SGK để học tập. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, cùng chính sách có thể có nhiều giải pháp để giải quyết, vấn đề là chọn một chính sách hiệu quả nhất. Ông Vinh cho rằng khi có chủ trương phát sách miễn phí cho học sinh nghèo thì ngoài việc tính toán nhu cầu bảo đảm không dư thừa, vấn đề quan trọng hàng đầu là những đầu SGK này phải thuộc bộ SGK chuẩn hóa do Bộ GD-ĐT nắm bản quyền. Các bộ SGK của các NXB khác sẽ theo cơ chế thị trường có sự định khung giá của nhà nước.
Giáo viên được chủ động khi dạy nhiều SGK
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, dựa trên danh mục các đầu SGK được UBND thành phố phê duyệt, các trường sẽ đề xuất với sở giảng dạy những đầu sách, bộ sách nào. Các trường tiến hành bỏ phiếu và đề xuất. Đề xuất nào được bỏ phiếu nhiều nhất thì lựa chọn. Trong trường hợp sách mà trường chọn không nằm trong danh mục sách được UBND thành phố phê duyệt thì sẽ tổ chức lựa chọn lại và vẫn theo quy trình sách nào được bỏ phiếu nhiều thì chọn sách đó. Nhưng dù chọn theo phương án nào thì các trường cũng phải thống nhất, có hướng dẫn chung trong nhà trường, thông tin đến phụ huynh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết thêm GV trong các nhà trường hiện nay dạy theo chương trình, không dạy theo SGK vì SGK không còn là pháp lệnh nữa. Song song đó là quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh cũng thực hiện dựa trên đánh giá năng lực của các em, sử dụng nhiều dữ liệu để đánh giá học sinh đạt được ở mức độ nào, không nhất thiết căn cứ vào SGK. Có thể ví dụ các đề thi tuyển sinh lớp 10 những năm gần đây tại TP HCM vẫn nằm trong phạm vi kiến thức của lớp 9 nhưng không phụ thuộc vào SGK.
Gấp rút đăng ký số lượng SGK cho năm học mới
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, nhằm chuẩn bị đủ SGK cho năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục, sở đã thông báo cho các đơn vị dự kiến số lượng SGK cho học sinh các khối lớp 6, 7, 8, 10, 11 và SGK cho thư viện cho năm học 2023 - 2024. Thời hạn đăng ký hoàn thành trước ngày 12-5. Vào năm 2022, cho đến thời điểm năm học mới triển khai được 2 tuần, thành phố vẫn còn hơn 7.000 trường hợp chưa có SGK. Theo Sở GD-ĐT thành phố, việc thiếu sách là do học sinh chưa tự trang bị sách; công ty sách và thiết bị trường học chưa cung cấp đủ sách theo đặt hàng của cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, còn những trường hợp học sinh từ nhiều địa phương khác chuyển đến TP HCM học nhưng chưa trang bị sách... Cùng với các phương án bổ sung sách cho học sinh, sở cũng làm việc với các NXB, các công ty phát hành sách cung cấp sách đầy đủ và kịp thời đến học sinh.
Bình luận (0)