TP HCM hiện có 48 trạm trung chuyển rác. Trong đó, chỉ 3 trạm khép kín đáp ứng thực tế hạ tầng đô thị. Trong chương trình Lắng nghe và trao đổi do HĐND TP HCM tổ chức vào tháng 8-2013, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết đến tháng 9-2013 sẽ phối hợp với các địa phương xóa bỏ 24 trạm gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều trạm trung chuyển rác giữa khu dân cư hoạt động và gây ô nhiễm, như trạm gần cầu Nam Lý (quận 9), trạm trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)... Các trạm này chỉ đơn thuần là điểm tập kết rác với khu đất trống, bộ phận vệ sinh dân lập đưa rác về chứa để lực lượng công ích vận chuyển đến các bãi xử lý. Trong quá trình này, mùi hôi, ruồi nhặng phát sinh, nước rỉ tràn ra lòng đường, rác rơi rớt nhiều nơi… khiến người dân xung quanh rất bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM cho biết số bô rác cần đóng cửa là 29. Đến hết tháng 11, sở mới giải tỏa được 3 trạm tại thị trấn Nhà Bè, phường An Lợi Đông (quận 2), khu bến đò (quận 9) và tiến hành đóng cửa 10 trạm. Số trạm còn lại tạm thời được duy trì để bảo đảm công suất tiếp nhận rác trong khi chờ 13 trạm được nâng cấp, lắp đặt thiết bị, sau đó mới tiến hành phá bỏ. Riêng 6 trạm phát sinh gần các chợ ở huyện Củ Chi hiện không còn tiếp nhận rác sinh hoạt mà chỉ nhận rác chợ. Sở TN-MT đã đề xuất lắp cho mỗi chợ một thùng đựng rác 660 lít, xong sẽ phá bỏ hẳn các trạm này.
Bên cạnh đó, trong số 13 bô rác cần nâng cấp, 3 địa điểm đã hoàn tất cơ bản việc xây dựng và tiến hành lắp đặt thiết bị, gồm: Tân Thới Hiệp (quận 12), Bà Lài (quận 6) và Tân An Hội (huyện Củ Chi). Dự kiến hết tháng 12-2013, Sở TN-MT TP HCM sẽ hoàn tất nâng cấp thêm 2 trạm, đến hết tháng 1-2014 tiếp tục thêm 7 trạm...
Các trạm này sẽ được xây dựng nhà xưởng kín, lắp đặt thiết bị hút khí và phun chế phẩm khử mùi để không làm phát tán mùi hôi ra khu dân cư, đồng thời thu gom nước rỉ rác để xử lý. Tổng dự toán nâng cấp, lắp đặt thiết bị cho 13 trạm trung chuyển khoảng 71,4 tỉ đồng.
Bình luận (0)