Thí sinh TPHCM làm thủ tục đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: Tấn Thạnh
Tỉ lệ “chọi” dưới 1
Tại Trường ĐH Khoa học thuộc ĐH Huế, số hồ sơ nhận được của ngành toán là 29 hồ sơ trên 59 chỉ tiêu, tỉ lệ này ở một số ngành khác lần lượt là: toán ứng dụng: 10/50, triết học: 34/40, lịch sử: 43/80, ngôn ngữ học: 10/40, vật lý học: 43/50.
Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ngành vật lý chỉ nhận được 84 hồ sơ trên 120 chỉ tiêu; tỉ lệ này ở ngành văn là 71/120. Tại ĐH Đà Nẵng, ngành văn học nhận được 87 hồ sơ trên 150 chỉ tiêu, vật lý: 47/50, văn hóa học: 23/50...
Các ngành học mang tính đặc thù lại càng ảm đạm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM, cho biết năm nay lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường giảm 200 bộ so với năm ngoái (1.865 bộ). Số hồ sơ giảm chủ yếu rơi vào ngành thư viện (chỉ thu được 73 bộ so với vài trăm bộ như mọi năm). Trong đó, ngành bảo tàng chỉ nhận được 35 hồ sơ, ngành văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam 31 hồ sơ. Đây là 2 ngành học nhiều năm trở lại đây không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí ngành văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam năm ngoái chỉ tuyển được 7 sinh viên.
Cải thiện “đầu ra”
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho rằng các ngành khoa học cơ bản rất cần thiết, mang tính chất sống còn bởi có nghiên cứu cơ bản thì mới có ứng dụng. Tuy nhiên hiện nay, thí sinh vẫn đang giữ xu hướng chạy theo các ngành kinh tế, tài chính ngân hàng mà bỏ rơi các ngành khoa học cơ bản.
Nguyên nhân của sự lệch lạc này, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, do sinh viên ra trường làm việc ở những ngành này có mức lương không cao, cơ hội việc làm hạn hẹp, như tốt nghiệp ngành toán, lý chỉ có thể làm nghiên cứu hoặc đi dạy. Ngoài ra, do các ngành khoa học cơ bản không có mặt trên thị trường một cách rõ ràng, không “mua bán” được nên người học ít lựa chọn hơn so với những ngành có sản phẩm hoặc tính ứng dụng dễ dàng trong thực tế.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng với việc hồ sơ đăng ký dự thi quá ít, nhiều khả năng một số ngành không thể tuyển đủ chỉ tiêu trong khi vẫn phải duy trì ngành học khiến trường lỗ lớn. Phần lớn các ngành khó tuyển là những ngành mang tính đặc thù, kén người học và hệ thống cơ quan Nhà nước chỉ tuyển rất hạn chế; bên cạnh đó, một số ngành trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có chế độ tiền lương chưa thỏa đáng nên khó thu hút người học.
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi “teo tóp” ở không ít ngành học chứng tỏ sự mất cân đối trong tuyển sinh tiếp tục là bài toán khó cho các trường ĐH |
Ngoại ngữ đìu hiu Nhiều ngành ngoại ngữ vẫn không khá lên được so với mọi năm khi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi rất ít. Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, các ngành ngoại ngữ đều "khan hiếm" hồ sơ như ngôn ngữ Nga chỉ nhận được 28 hồ sơ trên 60 chỉ tiêu, ngôn ngữ Pháp: 41/60; ngôn ngữ Trung Quốc: 108/120. Tại ĐH Huế, ngành sư phạm tiếng Trung Quốc nhận được 10 hồ sơ trên 35 chỉ tiêu, ngành ngôn ngữ Nga: 9/25, quốc tế học: 34/50; ngôn ngữ Pháp: 39/40. Tại ĐH Đà Nẵng, các ngành ngoại ngữ cũng không vượt qua tỉ lệ chọi 1/1 như ngôn ngữ Thái: 10/35, ngôn ngữ Nga: 42/70, sư phạm tiếng Pháp: 17/35, sư phạm tiếng Trung Quốc: 23/35... Đại diện các trường này cho biết với những ngành quá ít hồ sơ thì phải trông chờ vào việc xét tuyển. |
Bình luận (0)