Ngày 15-3, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết trong 2 ngày nay, một số trường học trên địa bàn đã xảy ra tình trạng đối tượng xấu giả danh lãnh đạo, giáo viên nhà trường gọi điện thoại báo con bị tai nạn cấp cứu tại các bệnh viện như: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Gia Đình… Đồng thời, các đối tượng này đề nghị phụ huynh chuyển tiền để thực hiện phẫu thuật. "Tuy nhiên, nhờ làm công tác tuyên truyền nên các phụ huynh nhận cuộc gọi đã đề cao cảnh giác, không để bị lừa đảo và kịp thời thông báo số điện thoại gọi lừa đảo đến nhà trường và các cơ quan chức năng" – ông Thành cho hay.
Theo ông Thành, từ khi tiếp nhận thông tin phụ huynh các trường học ở TP HCM bị đối tượng xấu giả danh lãnh đạo, giáo viên nhà trường gọi điện thoại báo con bị tai nạn cấp cứu..., Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã kịp thời yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học khẩn trương vận dụng các kênh thông tin (SMS, nhóm zalo…) tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh nâng cao cảnh giác để phòng, tránh.
Tin nhắn giáo viên chủ nhiệm gửi các phụ huynh cảnh báo về tình trạng lừa đảo
Bà Huỳnh Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường TH Núi Thành, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng – cho biết Trường đã tiếp nhận phản ánh của hơn 30 phụ huynh về việc nhận được cuộc gọi lừa báo "con đang đi cấp cứu".
Theo bà Nguyệt, phụ huynh phản ánh các đối tượng lừa bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu gọi vào thời điểm học sinh đang ngủ trưa. Lúc này chỉ có cô giáo quản sinh quán xuyến giờ ngủ của học sinh, không có mặt giáo viên chủ nhiệm.
Theo phản ánh của phụ huynh thì các đối tượng lừa đảo giả danh giáo viên chủ nhiệm, thông báo với phụ huynh là "con đang cấp cứu tại Bệnh viện Gia Đình" sau đó chuyển điện thoại qua cho người tự xưng là nhân viên phòng cấp cứu. Tùy từng trường hợp, các đối tượng này yêu cầu chuyển 20 triệu đồng để nộp viện phí hoặc kêu phụ huynh chờ sẽ có nhân viên phòng cấp cứu gọi điện báo số tiền viện phí.
Bà Nguyệt cho hay tới nay chưa có phụ huynh nào bị các đối tượng trên lừa đảo do nhà trường đã có cảnh báo từ trước. Khi nhận được cuộc gọi, phụ huynh của trường đã bình tĩnh gọi lại cho số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm hoặc cô hiệu trưởng hoặc người phụ trách y tế của trường. "Nhà trường đã có thông báo tới từng phụ huynh từ ngày 6-3, khi có sự việc này nở rộ ở TP HCM. Bên cạnh đó, trường công khai số điện thoại của Hiệu trưởng và người phụ trách y tế để phụ huynh có thể gọi bất cứ khi nào cần" – bà Nguyệt cho hay.
Trong ngày 14-3, có khoảng hơn 10 phụ huynh phản ánh với bà Nguyệt là họ nhận được thông tin con đi cấp cứu từ các đối tượng lừa đảo. Bà Nguyệt cho biết các phụ huynh cũng bày tỏ thắc mắc vì sao đối tượng lừa đảo lại có thông tin chính xác về tên tuổi học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và số điện thoại của phụ huynh. Theo bà Nguyệt, nhà trường luôn bảo mật thông tin học sinh, phụ huynh.
Trong ngày 15-3, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tiếp tục có công văn gửi các đơn vị, trường học, yêu cầu:
Vận dụng các kênh thông tin (tin nhắn SMS, nhóm zalo, website nhà trường…) tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh
Bình tĩnh, đề cao cảnh giác trong trường hợp nhận được cuộc gọi thông báo về các vấn đề sức khỏe, tình hình học tập… của con em; Không thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ cuộc gọi của đối tượng chưa xác định; gọi ngay cho giáo viên chủ nhiệm hoặc các số điện thoại công khai trên website của nhà trường để xác định tình hình; thông báo kịp thời số điện thoại gọi lừa đảo cho giáo viên chủ nhiệm, công an, các cơ quan chức năng để phối hợp xử lí.
Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kì ai khi chưa có yêu cầu của nhà trường và cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc các giao dịch nhân sự khác.
Sở cũng đề nghị các trường nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm thường xuyên giữ liên hệ với phụ huynh.
Bình luận (0)