Tính đến sáng 7-5 đã có 21 tỉnh, thành cho học sinh tạm dừng đến trường để bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nếu cần, thêm đợt thi
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 6-5 nhấn mạnh ngành giáo dục cần hoàn thiện kịch bản chống dịch Covid-19 để tổ chức tốt kỳ thi THPT.
PGS-TS Mai Văn Trinh (bìa trái) kiểm tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.(Ảnh: KIM ANH)
Liên quan kỳ thi này, ngày 7-5, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay bộ này đang phối hợp Bộ Y tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19 để có các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
"Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng chống dịch" - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh và nói thêm tùy diễn biến của dịch bệnh, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định phương án tổ chức thi theo nguyên tắc: Tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi. Tại các điểm thi, khu vực thi bố trí các phòng thi cho thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp nhóm thí sinh này. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT phối hợp các địa phương tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, Bộ GD-ĐT đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.
Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh trước mắt các địa phương, nhà trường thực hiện tốt các phương án phòng chống dịch, tổ chức dạy học, ôn tập với các hình thức linh hoạt, hiệu quả, ổn định tâm lý. Không lơ là và cũng không chủ quan để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 và tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Có thể kiểm tra trực tuyến
Chia sẻ về việc tổ chức dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), nói thêm từ kinh nghiệm những lần tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 trước đây, lần này giáo viên và học sinh đã chuẩn bị tâm thế, năng lực, học liệu… nên việc chuyển trạng thái sang dạy và học trực tuyến không gặp nhiều khó khăn.
"Bộ GD-ĐT đã quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó quy định rõ các điều kiện về đội ngũ giáo viên, học liệu dạy học, hạ tầng kỹ thuật… mà nhà trường cần thực hiện để tổ chức dạy học trực tuyến. Với những sự chuẩn bị này, việc hoàn thành chương trình năm học sẽ đúng theo khung kế hoạch thời gian năm học là trước ngày 31-5" - ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định và nói thêm việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh chỉ được thực hiện trong hoàn cảnh bất khả kháng khi không thể kiểm tra trực tiếp.
Từ nay đến kết thúc năm học còn gần 4 tuần nữa nên các trường căn cứ diễn biến của dịch, chủ động bố trí lịch kiểm tra, đánh giá định kỳ, nếu học sinh có thể đến trường thì kiểm tra, đánh giá tại trường là tốt nhất. Trường hợp phải kiểm tra, đánh giá định kỳ trực tuyến, các trường phải có biện pháp để bảo đảm tính chính xác, công bằng, trung thực, khách quan. Bài kiểm tra phải đúng do học sinh thực hiện và đánh giá được đúng năng lực của học sinh.
"Đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực học sinh, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em. Đối với việc kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, dự án học tập, học sinh phải tự trình bày báo cáo qua hình thức trực tuyến để giáo viên có thể phỏng vấn qua mạng để đánh giá đúng năng lực của học sinh" - ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Tạo thuận lợi cho thí sinh
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết tinh thần là an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi, xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển... Đặc biệt lưu ý ứng phó với dịch trong trường hợp phát sinh, trong đó chuẩn bị về cơ sở vật chất và những phương án chỉ đạo. Không chỉ giới hạn trong quy chế, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho các thí sinh.
Bình luận (0)