Chiều 28-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) vừa ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT với nhiều thay đổi quan trọng.
Bố trí điện thoại cố định có loa ngoài
Theo quy định mới, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý. Như vậy, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu như mùa thi trước.
Bộ GD-ĐT cũng đưa ra nhiều thay đổi khác. Cụ thể, tại mỗi khu vực in sao đề thi, coi thi, làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo của hội đồng thi phải bố trí một điện thoại cố định có loa ngoài (riêng với khu vực in sao đề thi và làm phách bài thi tự luận, điện thoại này phải có thêm chức năng ghi âm) đặt tại phòng làm việc chung/ phòng trực bảo đảm an ninh, an toàn. Riêng ở điểm thi, nếu không thể bố trí được điện thoại cố định vì lý do bất khả kháng thì chủ tịch hội đồng thi quyết định bố trí điện thoại di động không có chức năng ghi hình, không có thẻ nhớ, không có chức năng kết nối mạng internet và được niêm phong khi không sử dụng. Chỉ sử dụng chức năng nghe, gọi của điện thoại để liên lạc với hội đồng thi, ban chỉ đạo thi các cấp.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Ảnh: NGUYỄN THUẬN
Bộ GD-ĐT quy định mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa ngoài để nghe công khai, đều phải ghi nhật ký và phải có sự chứng kiến của ủy viên làm nhiệm vụ giám sát. Riêng với điểm thi, bố trí một máy tính tại phòng trực của điểm thi và bảo đảm máy tính chỉ được nối mạng internet khi chuyển báo cáo nhanh cho hội đồng thi, phải ghi nhật ký sử dụng máy tính, có sự chứng kiến của phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất.
Cũng từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, không được sử dụng các thiết bị thu phát thông tin trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của hội đồng thi. Tại mỗi khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo, hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ ở đó. Các vật dụng này phải được niêm phong dưới sự chứng kiến của công an và phải được bảo quản tại địa điểm an toàn trong suốt thời gian của mỗi buổi làm việc.
Thay đổi về người ra đề thi
Để tránh tiêu cực trong ra đề thi như đã từng xảy ra đối với môn sinh học trong kỳ tuyển sinh năm 2021 dẫn tới việc khởi tố một số cá nhân tham gia công tác làm đề thi, Bộ GD-ĐT quy định từ kỳ thi năm 2023, người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu, giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/ môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi.
Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT, trong đó ủy viên thường trực là công chức thuộc cục quản lý chất lượng.
Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải bảo đảm chắc chắn, phải được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm thi, thư ký điểm thi và công an), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của những người ký nhãn niêm phong, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong.
Về phương thức làm phách, thông tư mới sửa đổi, bổ sung như sau: Chủ tịch hội đồng thi quyết định phương thức làm phách. Số phách được sinh ngẫu nhiên từ phần mềm máy tính, bảo đảm mỗi bài thi (số báo danh) tương ứng với duy nhất 1 (một) số phách. Việc gieo phách chỉ được thực hiện trong khu vực cách ly dưới sự chứng kiến của người làm nhiệm vụ giám sát do giám đốc Sở GD-ĐT điều động. Chủ tịch hội đồng thi quyết định việc bàn giao bài thi một lần hoặc theo tiến độ chấm thi. Trưởng ban làm phách bàn giao bài thi đã làm phách cho trưởng ban thư ký hội đồng thi theo chỉ đạo bằng văn bản của chủ tịch hội đồng thi.
Tổ nhập điểm thực hiện nhập điểm bài thi tự luận theo 2 vòng độc lập, mỗi vòng do một nhóm khác nhau thực hiện trên phần mềm hỗ trợ chấm thi. Khi nhập điểm, phải có ít nhất 3 người tham gia gồm một người đọc, một người nhập vào phần mềm và một người giám sát, kiểm tra.
Thay đổi cách chấm phúc khảo bài thi tự luận
Đối với việc chấm phúc khảo bài thi tự luận, theo quy định mới, mỗi bài thi tự luận do 2 cán bộ chấm thi chấm phúc khảo và phải được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh. Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ 2 thành viên của ban phúc khảo bài thi tự luận trở lên. Kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận do ban thư ký hội đồng thi xử lý.
Bình luận (0)