Bộ GD-ĐT lý giải việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh theo khu vực là nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỉ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Để khắc phục bất hợp lý nêu trên, bảo đảm công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), quy chế đã quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Ví dụ, nếu lấy mốc 24 điểm thì những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nhưng nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6… Thí sinh 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên. Như vậy sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao cạnh tranh sẽ công bằng hơn.
Cũng theo quy định mới, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, cụ thể là từ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo (nếu có). Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Cũng từ năm nay, các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập THPT của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh. Thí sinh sẽ không cần công chứng hoặc yêu cầu trường THPT xác nhận kết quả học tập. Các trường có sẵn kết quả học tập THPT để xét tuyển hoặc sử dụng để sơ tuyển mà không cần phải nhập từ học bạ của thí sinh, từ đó giúp tránh các sai sót, nhầm lẫn.
Bình luận (0)