Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), học sinh có thể đăng ký tối đa 8 môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 nhằm xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo kế hoạch, đến tháng 3-2015, học sinh sẽ chính thức đăng ký môn thi. Đến thời điểm này, nhiều trường đã có khảo sát sơ bộ tình hình chọn môn thi của thí sinh.
Địa lý dễ học, vật lý dễ xét tuyển
Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, TP Hà Nội - cho biết giáo viên có kế hoạch ôn tập, tất cả học sinh lớp 12 ngoài việc bảo đảm giờ học theo khung chương trình đều phải định hướng môn thi sẽ đăng ký cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Theo kết quả khảo sát 360 học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, ở thời điểm này, môn vật lý và địa lý có tỉ lệ đăng ký cao nhất: 65,65% và 32,41%; môn lịch sử chỉ có 18,1%, thấp nhất là môn sinh (4,16%). Tương tự, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng đã khảo sát 350 học sinh lớp 12 của trường. Kết quả cho thấy học sinh trường này chủ yếu sẽ xét tuyển khối D (63,81%), tiếp đến là A1 (13,97%) với tỉ lệ lựa chọn môn thi cao nhất là địa lý (76,51%).
Ông Đặng Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), cho hay học sinh của trường phần lớn chọn vật lý, hóa học làm môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp, gần như không có thí sinh thi lịch sử. “Học sinh trường tôi chủ yếu thi khối A, một số thi khối D nên các em chọn những môn thi gắn với tổ hợp xét tuyển ĐH, CĐ. Tổ hợp được lựa chọn số 1 là toán - văn - tiếng Anh và vật lý, hóa học dành cho học sinh khối A. Tổ hợp thứ hai là toán - văn - tiếng Anh và vật lý dành cho học sinh khối D. Với việc thi môn vật lý, các thí sinh có thể xét tuyển 2 khối A1 và D. Thí sinh bây giờ không quan tâm lắm đến thi tốt nghiệp vì nhiều khả năng em nào cũng đỗ, các em chỉ quan tâm đến thi ĐH thôi” - ông Chiến nói.
Lãnh đạo một trường THPT đóng tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội cho hay phần lớn học sinh của trường chọn thi tốt nghiệp môn địa lý vì môn này khá dễ học. Bên cạnh đó, địa lý lớp 12 chỉ có 7 chương, dễ nhớ nên nếu học sinh biết kết hợp với thời sự xã hội thì sẽ có điểm.
Không nên thi quá nhiều môn
Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2015 và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 dự kiến sẽ được hoàn thành trong tháng 2 để tháng 3-1015 thí sinh bắt đầu đăng ký môn thi. Việc có thể đăng ký thi nhiều môn giúp thí sinh có nhiều cơ hội để xét tuyển ĐH, CĐ hơn song cũng khiến việc tập trung học tập bị ảnh hưởng bởi phải dàn trải quá nhiều môn.
Trước nhiều lựa chọn về số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng các thí sinh cần phải thận trọng, không nên chọn quá nhiều môn thi. Việc ôm đồm quá nhiều môn sẽ bị phân tán thời gian cũng như việc tập trung ôn tập. Ông Ga đưa ra lời khuyên: Thí sinh nên dùng sở trường của mình để chọn môn phù hợp, tập trung một số ít môn nhưng ôn tập thật tốt để có kết quả cao. Nếu các em chọn nhiều môn, cơ hội xét tuyển nhiều nhưng cơ hội trúng tuyển chưa chắc đã cao.
Nên chọn môn nắm chắc
Theo một chuyên gia tuyển sinh của Vụ Giáo dục ĐH, thí sinh có thể đăng ký nhiều môn để thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ nhưng không bắt buộc phải thi tất cả các môn đã đăng ký. “Đối với 4 môn thi tốt nghiệp, thí sinh bắt buộc phải thi đầy đủ, thiếu môn nào cũng sẽ không được tốt nghiệp. Tuy nhiên, với các môn để xét tuyển ĐH, CĐ theo nhiều khối thi thì thí sinh nên lựa chọn môn mình chắc nhất. Thí sinh tự do chỉ cần đăng ký dự thi 3 môn hoặc nhiều hơn theo môn xét tuyển của ngành mà mình muốn xét tuyển” - chuyên gia này nói.
Bình luận (0)