Trong một chuyến công tác tại huyện Bắc Hà vào cuối tháng 10, tôi được thầy giáo Nguyễn Danh Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Thu Phố, phân trần: "Hơn 20 thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường đang trở thành "con nợ" vì phải phân công nhau nhận nợ một tuần để mua lương thực, thực phẩm cho hơn 170 học sinh bán trú của nhà trường trong năm học này. Số tiền nợ đã lên đến hàng chục triệu đồng. Một người không thể nợ mãi được, nên chúng tôi phân công mỗi thầy, cô giáo nợ một tuần".
Học sinh bán trú Lùng Phình ăn cơm trưa tại trường.
Theo chúng tôi được biết, Trường THCS Hoàng Thu Phố là trường thứ hai trong huyện đã có quyết định thành lập trường bán trú ngay từ đầu năm học mới nhưng chưa đủ điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất và kinh phí nên chưa hoạt động theo mô hình mới này. Tuy nhiên, hình thức học bán trú (xuất phát từ hình thức bán trú dân nuôi) đã được trường thực hiện từ mấy năm nay, đóng góp tích cực trong việc nâng cao tỉ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục vùng cao Bắc Hà.
Năm học trước, cũng như các trường học khác trong toàn huyện, học sinh là con các hộ nghèo được hưởng 140.000 đồng/tháng (9 tháng/năm) theo Quyết định 101 của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 5-8-2009 để hỗ trợ tiền ăn, dụng cụ học tập và sinh hoạt. Học sinh không phải hộ nghèo được hỗ trợ 20.000 đồng/tháng (9 tháng học). Cùng với các nguồn lương thực, tiền ủng hộ phân bổ từ quỹ khuyến học và gia đình học sinh đóng góp, nhà trường vẫn lo đủ cho các em học sinh ở nội trú ngày ba bữa cơm để đảm bảo học tập.
Mặc dù, Quyết định 85 có hiệu lực từ đầu năm 2011 và đã triển khai về các địa phương nhưng Trường THCS Hoàng Thu Phố chưa nhận được kinh phí từ chính sách này. Trên địa bàn huyện Bắc Hà không chỉ riêng Trường THCS Hoàng Thu Phố mà tất cả các trường có học sinh bán trú đều chưa nhận được tiền theo Quyết định 85. Chung tình trạng như vậy, Trường THCS số 1 Cốc Ly cũng đang nợ mỗi tuần vài triệu đồng để lo thực phẩm cho học sinh. Thầy giáo Đỗ Văn Kiên, phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: "Hiện tại, chúng tôi nợ 2 tấn gạo và khoảng 50 triệu đồng tại các chợ để lo bữa ăn cho học sinh". Với hơn 70 học sinh bán trú, để lo mỗi em 15.000 đồng/ngày rất khó khăn. Bên cạnh đó, năm học này không có chính sách thuê cấp dưỡng nên các thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường phải đảm nhiệm luôn việc nấu ăn cho học sinh, càng gây khó khăn cho công tác của các nhà trường.
"Vẫn phải đảm bảo cho học sinh tới trường"
Đó là phương châm của các thầy, cô giáo trên vùng cao Bắc Hà cho dù chính sách hỗ trợ đã có hay chưa. Mỗi trường một cách làm theo sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT huyện, các trường bán trú dân nuôi đang cố gắng vượt qua khó khăn để giảng dạy và nâng cao tỉ lệ chuyên cần của học sinh.
Hiện tại, các trường có học sinh bán trú đang gặp rất nhiều khó khăn cả về chỗ ở và mức chi ăn uống, bởi lượng học sinh bán trú tăng lên gấp đôi so với năm học trước. Để khắc phục tạm thời tình trạng này, phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường huy động xã hội hóa, vận động phụ huynh đóng góp gạo, tiền, hoặc mua chịu thức ăn, chờ khi có kinh phí sẽ hoàn trả lại cho học sinh.
Đối với một số trường tiểu học, học sinh về trong ngày, chúng tôi vận động gia đình nấu cơm cho các em mang đi ăn. Ngoài ra, các trường còn tích cực trồng rau xanh, chăn nuôi để tăng thêm thức ăn, giảm chi phí chi tiêu trong ngày".
Cũng theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT Bắc Hà, thủ tục thực hiện chính sách không có gì vướng mắc, nguyên nhân chính là địa phương chưa được bố trí nguồn kinh phí để kịp thời hỗ trợ cho học sinh.
Nếu tính số học sinh được hưởng chế độ 40% lương tối thiểu thì mỗi tháng, các trường học có học sinh bán trú ở Bắc Hà đã phải nợ khoảng trên dưới 1 tỉ đồng. 9 tháng trong năm học, con số này không hề nhỏ và những "con nợ" (cho dù là nợ tư thương hay nợ phụ huynh) lại chính là các nhà trường, các thầy, cô giáo vùng cao. Năm học mới đã bước sang tháng thứ 4, sự hỗ trợ càng chậm, thì hàng ngày các thầy, cô giáo ở Bắc Hà tiếp tục trở thành "con nợ" cho học sinh của mình.
Bình luận (0)