Lịch sử chữ Quốc ngữ không phải chỉ có 100 năm, nếu chỉ tính từ Từ điển Việt Bồ La của Alexander de Rhodes thì chữ Quốc ngữ đến nay đã 368 năm. Nhưng phải đến năm 1919, vua Khải Định ra chiếu dụ khoa thi Hán học cuối cùng được tổ chức ở miền trung thì "thần Cử-nghiệp" mới chính thức chia tay với sĩ tử, chữ Hán rút lui, nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ. Trong quá trình đó gặp rất nhiều phản đối từ tầng lớp sĩ phu, vốn nặng lòng với chữ Hán.
Nhà giáo Trần Chút, Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP HCM phát biểu tại tọa đàm
Đến đầu thế kỷ 20, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cổ động "Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta". Một tuần sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bắt buộc học chữ Quốc ngữ, coi là một bước quan trọng để diệt giặc dốt, trong điều kiện 95% dân số mù chữ.
PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP HCM nhận định, chữ Quốc ngữ đã làm biến đổi sâu sắc văn hóa Việt Nam. Không có chữ Quốc ngữ khó lòng công cuộc Duy Tân tiến nhanh như vậy, khó lòng các cuộc vận động xã hội nửa đầu thế kỷ 20 có một tác động sâu rộng như vậy.
Một trong ba cuốn sách của Giáo sĩ người Bồ Đào Nha Francisco de Pina viết bằng chữ Latin và chữ Quốc ngữ được trưng bày tại bảo tàn Vatican, Rome, Ý.
Cuốn sách chữ Quốc ngữ của Francisco de Pina được viết bằng tay năm 1750 tại Xuân Trường, Nam Định. Do GS.TS Roland Jacques khảo cứu.
Trong quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, không thể phủ nhận công lao của các bậc tiên hiền như Giáo sĩ người Bồ Đào Nha Francisco de Pina, Alexander de Rhodes với cuốn từ điển Từ điển Việt Bồ La, hay các tài liệu liên quan đến Việt Nam mang tên Từ điển Borg.Tonch của Filippe do Rosario Bỉnh (Philiphê Bỉnh) cùng ba tu huỳnh thực hiện. "Để có thể hoàn thành những cuốn từ điển đó, Philiphê Bỉnh cùng những đồng môn đã đổ máu và nước mắt, thậm chí đổi cả sinh mạng" – theo TS. Phạm Thị Kiều Ly, người có bài nghiên cứu về Philiphê Bỉnh.
Bức thư viết tay bằng chữ Quốc ngữ của Francisco de Pina vào năm 1670 tại Hội An. Do GS.TS Roland Jacques khảo cứu.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, chữ Quốc ngữ là một giá trị vô cùng lớn đối với người Việt Nam. Nên giữ chữ Quốc ngữ như 100 năm qua, không cải cách nữa, vì hiện tại giới khoa học thừa nhận tính chất hợp lý của chữ viết Quốc ngữ đang sử dụng. Chữ Quốc ngữ nên được tiếp tục thảo luận là sự chuẩn chính tả, cần nghiên cứu để đi đến chuẩn chính tả.
Bình luận (0)