Trên các diễn đàn của nhiều trường ĐH tại TP HCM những ngày gần đây, sinh viên (SV) thể hiện sự bức xúc của mình khi ngồi hàng giờ vẫn không đăng ký được tín chỉ, thậm chí nhiều SV chế lời các tác phẩm, bài nhạc để thể hiện sự bất tiện này.
“Cuộc chiến” ngày và đêm
Trước đó, tháng 9-2015, SV Trường ĐH Ngân hàng TP HCM đã “chế” một đoạn phim ngắn về việc nghẽn mạng khi đăng ký tín chỉ được chuyền tay rộng rãi trong cộng đồng mạng. Trong đoạn phim ghép nhiều cảnh hành động, SV được ví như những chiến binh tham gia cuộc chiến khốc liệt để có được lịch học như ý muốn.
T.M, SV năm nhất Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết những ngày đăng ký tín chỉ, em phải thức thâu đêm nhưng vẫn trầy trật. “Em ở ký túc xá nên đăng ký qua mạng nhưng không vào được. Các bạn nam rủ nhau ra tiệm internet để đăng ký cho nhanh nhưng em là con gái, đêm hôm ra ngoài không tiện” - nữ SV kể. Cùng nỗi bức xúc, Đ.P.L cho biết dù thức đến khuya, trong ngày đầu tiên, em cũng chỉ đăng ký được môn giáo dục thể chất”.
Nhiều trường ĐH khác trên địa bàn TP HCM áp dụng học chế tín chỉ như Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng tương tự: Đa số SV ít nhiều đều gặp khó khăn trong đăng ký môn học. “Học phí đã tăng cao hơn nhưng hệ thống đăng ký môn học vẫn chưa được cải thiện? Sao cứ đến hẹn, chúng em phải ngồi chờ mỏi mòn để được vào website?” - một SV Trường ĐH Mở bức xúc.
ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết trường đã nhập 4 máy chủ từ nước ngoài về, mở rộng băng thông, mở nhiều cổng, chia nhiều khóa giúp SV đăng nhập dễ dàng. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng không đăng ký được lịch học theo ý muốn (đa số rơi vào buổi sáng), SV đã sử dụng một tài khoản đăng nhập vào nhiều cổng khác nhau khiến lượng truy cập ảo tăng lên đến 15.000, gấp 6-7 lần lượng SV thực tế. Ông Sĩ cũng cho hay do lượng truy cập tăng đột biến, phần mềm quản lý tín chỉ (do bên thứ ba cung cấp với hơn 40 trường ĐH, CĐ ở TP HCM đang sử dụng) cũng bị lỗi, góp phần gây phiền phức cho sinh viên.
“Mỗi khóa đào tạo, chúng tôi đều mở 1 group (nhóm) trên mạng xã hội để SV tham gia, phản hồi. Trước khi tổ chức đăng ký tín chỉ, chúng tôi cũng đã công bố 1 tờ hướng dẫn lên các nhóm cho các em tiện theo dõi. Tuy nhiên, nhiều SV không đọc kỹ bảng hướng dẫn nên chưa thông suốt quy trình dẫn đến tâm trạng lo lắng, nhờ bạn bè, gia đình truy cập cùng lúc dẫn đến nghẽn mạng” - ông Sĩ lý giải.
Khó giải quyết dứt điểm
Đa số các trường đều thừa nhận xảy ra hiện tượng trên trong những ngày đầu đăng ký môn học. Dù vậy, đa số đều thừa nhận đây là hiện tượng tất yếu, không thể giải quyết dứt điểm.
Theo ThS Nguyễn Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, trường cho phép SV đăng ký tín chỉ qua 3 bước: Đăng ký chính thức, chỉnh sửa, đăng ký lại. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin dù đáp ứng đầy đủ trong ngày thường (6.000 - 7.000 lượt) nhưng vẫn không chịu nổi khi lượng lớn SV truy cập dồn dập trong vài giờ (khoảng hơn 10.000 lượt). Do đó, hiện tượng nghẽn mạng là không thể tránh khỏi.
“Việc nâng cấp cổng online cao hơn mức bình thường là lãng phí vì chi phí cực kỳ tốn kém. Do đó, chúng tôi chia thành từng đợt, từng khóa để SV có thể lần lượt truy cập, đăng ký” - ThS Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, việc tắc nghẽn mạng ngoài lý do hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng, chọn lựa giáo viên, một phần còn do SV muốn chọn những buổi học có giờ giấc thoải mái nhất. Do không truy cập, đăng ký được nên nhiều em để máy tính ở chế độ liên tục F5 dẫn đến tê liệt hệ thống.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, cho rằng trường chú trọng cách quản lý hơn là đầu tư “server khủng” tốn nhiều chi phí. Trường ĐH Mở áp dụng quy chế đào tạo tín chỉ từ năm 2009, mỗi môn học mở khoảng 3-4 lớp tùy đặc thù của ngành học. Đến nay, các bước quản lý đã thành thạo, việc nghẽn mạng chỉ xảy ra trong 1-2 ngày đầu đăng ký môn học.
“Thời gian tới, trường đầu tư chất lượng, chỉ tiêu không tăng đáng kể nên chưa có ý định đầu tư thêm dung lượng máy chủ do quá tốn kém” - ông Hà chia sẻ.
Làm gì để thôi quá tải?
Theo ThS Nguyễn Thái Sơn các trường phải dự báo được dung lượng SV truy cập nhằm đầu tư dung lượng máy chủ, băng thông internet thích hợp. Trong trường hợp cần, có thể tăng cường trong thời gian ngắn. Nếu lượng SV quá đông, các trường phải có kế hoạch phân ca, tổ chức tư vấn, hướng dẫn quy trình cho SV. Đối với người học, tìm hiểu chương trình đào tạo, cân bằng với nhu cầu cá nhân nhằm đưa ra lựa chọn linh hoạt và các lựa chọn dự phòng. Khi truy cập đăng ký môn học, nếu mạng nghẽn, hãy thoát ra và chờ một lúc mới vào được, đừng cố gắng sẽ làm mạng chậm hơn.
Bình luận (0)