Nhiều lưu ý khi đăng ký nguyện vọng tuyển thẳng đại học
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi học sinh đủ điều kiện tuyển thẳng được đăng ký 3 nguyện vọng (NV) vào 3 trường (ngành) theo thứ tự ưu tiên: NV1, NV2, NV3. Học sinh có thể đăng ký NV vào 3 trường khác nhau, mỗi trường một ngành hoặc cả 3 NV đều đăng ký vào 1 trường nhưng ở 3 ngành khác nhau. Trong trường hợp học sinh đã đăng ký tuyển thẳng vào một trường, nhưng lại dự thi vào trường đó, thì việc xét trúng tuyển sẽ căn cứ vào kết quả thi tuyển sinh.
Nhiều thí sinh sẽ không phải trải qua kỳ thi đại học, cao đẳng đầy căng thẳng (Ảnh minh họa Internet)
Tổng số thí sinh được tuyển thẳng vào một trường hoặc một ngành của từng trường không vượt quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính qui của trường hoặc ngành đó.
Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT là cơ sở để xếp thứ tự ưu tiên khi xét tuyển thẳng học sinh vào các trường hoặc các ngành (đối với các trường xét tuyển theo ngành và chỉ tiêu tuyển thẳng ít hơn số thí sinh có nguyện vọng đăng ký). Cách tính điểm trung bình là lấy tổng điểm 6 môn thi tốt nghiệp (không tính điểm khuyến khích và điểm nhân hệ số) chia cho 6, và chỉ lấy 2 số lẻ (không làm tròn).
Nếu cả 3 NV đều không đạt, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét bố trí học sinh vào những trường (ngành) còn chỉ tiêu tuyển thẳng. Sau khi Bộ GD-ĐT đã gửi kết quả đăng ký tuyển thẳng về Sở GD-ĐT, sẽ không chấp nhận việc thay đổi nguyện vọng hoặc bổ sung thêm nguyện vọng mới.
Học sinh đạt giải được tuyển thẳng vào các ngành có môn thi tuyển sinh trùng với môn đạt giải. Riêng các ngành sư phạm chỉ tuyển thẳng học sinh có môn đạt giải trùng với ngành đào tạo.
Trước khi đăng ký NV tuyển thẳng vào một số ngành của một số trường Đại học và Học viện, thí sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn ngành vì đối với một số ngành “hot” thì sẽ có nhiều thí sinh đăng ký tuyển thẳng, do đó chỉ có những người đạt giải cao mới có khả năng được tuyển thẳng. Đối với những trường khối quân đội, công an chỉ tuyển thẳng những người đã đăng ký dự thi vào chính trường đó và đã qua sơ tuyển.
Đối với các ngành và các trường năng khiếu (Kiến trúc, Mỹ thuật, Âm nhạc...), thí sinh thuộc diện tuyển thẳng, nếu đạt yêu cầu sơ tuyển, được miễn thi các môn văn hoá, nhưng phải dự thi các môn năng khiếu và phải đạt điểm năng khiếu do trường qui định mới thuộc diện trúng tuyển.
Các thí sinh đăng ký vào các ngành và các trường Thể dục Thể thao, Hàng hải phải đạt yêu cầu qui định về tiêu chuẩn sức khoẻ, chiều cao, cân nặng và đạt yêu cầu tối thiểu về năng khiếu TDTT... đã được ghi trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011”; thí sinh thuộc diện năng khiếu TDTT đăng ký vào các trường sư phạm có môn đạt giải phải trùng với ngành đào tạo.
Cách làm hồ sơ đăng ký tuyển thẳng
Mỗi thí sinh đăng ký tuyển thẳng làm một bộ hồ sơ gửi về Sở GD-ĐT trước ngày 25-6. Thí sinh cần phải khai chính xác, đầy đủ, không tẩy xoá tất cả 8 mục trong phiếu đăng ký tuyển thẳng. Khi đã gửi hồ sơ về Bộ, thí sinh không được sửa đổi nguyện vọng đã khai trong phiếu đăng ký tuyển thẳng.
Theo quy định thì trước ngày 30-6, Sở GD-ĐT sẽ gửi trực tiếp hồ sơ đăng ký tuyển thẳng kèm danh sách thí sinh cho các trường nơi thí sinh đăng ký tuyển thẳng. Các trường ĐH, CĐ sẽ báo cáo kết quả tuyển thẳng về Bộ GD-ĐT và thông báo cho các Sở GD-ĐT trước ngày 20-8.
Năm nay để tạo điều kiện cho thí sinh thuộc diện được tuyển thẳng thuận lợi hơn trong việc làm hồ sơ, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ xây dựng quy định cụ thể về tuyển thẳng trên cơ sở quy chế tuyển sinh hiện hành và thông báo công khai cho thí sinh trước ngày 5-4.
Bình luận (0)