xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHỮNG NGƯỜI THẦY KHÔNG CHỈ "GIEO CHỮ": Xoa dịu nỗi đau học trò nghèo Phước Sơn

Bài và ảnh: QUANG TÁM

Thầy cô giáo đã luôn ở bên cạnh học trò động viên các em vượt qua nỗi đau mất người thân, nhà cửa

Bầu trời ở huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) trong ngày 20-11 đã hửng nắng, trái ngược với những ngày mưa nặng hạt, se lạnh vào giữa tháng 10. Em Hồ Văn Lan, học sinh lớp 10/2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn, đã nở nụ cười khi người mẹ của em trở về sau nhiều ngày mất tích.

Hãy làm con của cô nhé!

Nhà của Lan nằm ở thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, cách trường tầm 40 km. Nơi đây vừa xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng vào chiều 28-10 khiến 11 người chết và mất tích. Trận lũ quét ấy cướp đi bà ngoại và em gái học lớp 4 của Lan.

Nước mắt Lan dường như đã cạn khô bởi cách đây 7 năm, cha em qua đời, để lại mấy mẹ con Lan, bà ngoại nương tựa lẫn nhau. Hay tin Lan gặp chuyện buồn, cô Dương Thị Lệ Quyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 10/2, luôn ở cạnh em trò chuyện, vỗ về.

Còn em Hồ Thị Sơ, học sinh lớp 11/1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn, ở cạnh nhà Lan. Mẹ em đã bị trận sạt lở kinh hoàng vùi lấp. Nghe tin, Sơ khóc rất nhiều. Cô Hoàng Thị Quỳnh Ly, giáo viên tâm lý và kỹ năng sống của trường, túc trực bên em như hình với bóng. Cô đưa Sơ về nhà mình ngủ để cho em có hơi ấm gia đình. Giờ Sơ lên lớp, cô Ly theo sau động viên. Không biết bao lần bờ vai cô giáo ướt đẫm nước mắt của Sơ.

NHỮNG NGƯỜI THẦY KHÔNG CHỈ GIEO CHỮ: Xoa dịu nỗi đau học trò nghèo Phước Sơn - Ảnh 1.

Cô Phạm Thị Thứ (bìa trái) và cô Hồ Thị Thùy Dung động viên em Hồ Văn Lan trước nỗi đau mất người thân

Sơ kể em thích ăn mọi thứ mẹ nấu. Mẹ hay đau khớp, mỗi lần như thế, lại kêu Sơ bóp tay, bóp chân cho mẹ. Cô học trò nhỏ khẩn khoản xin các thầy, các cô, cho em về nhà. Thầy cô giáo trong trường đã hứa với Sơ và với cả Lan rằng khi trời dứt mưa, đường thông trở lại, chính thầy cô sẽ đưa các em về làng.

Trong những ngày đau buồn ấy, cô Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn, đã ôm các em vào lòng như người mẹ truyền hơi ấm cho các con. Cô nói với học trò rằng hãy mạnh mẽ lên để vượt qua nỗi đau, trở thành người có ích cho xã hội, không phụ lòng người đã khuất.

"Cô mồ côi mẹ từ khi 10 tuổi nên hơn ai hết hiểu được sự thiếu thốn tình cảm đó. Các em hãy nhận cô làm mẹ nhé!" - câu nói của cô Thứ đã làm cho Lan và Sơ bật khóc.

Tất cả vì sự an toàn của học sinh

Cô Thứ gắn bó với ngôi trường này từ khi tốt nghiệp ra trường vào năm 2000 đến nay nên rất thấu hiểu tâm tư, tình cảm của học trò. Năm học 2020-2021, trường có 360 em học ở 4 khối, từ lớp 9 đến lớp 12. "Các em đều ở những bản làng xa xôi đến học. Mỗi tháng nhà trường chỉ cho các em về nhà một lần khi thời tiết cho phép. Vì vậy, các thầy cô và các em luôn gần gũi, yêu thương lẫn nhau" - cô tâm sự.

Cô giáo dạy ngữ văn Hồ Thị Thùy Dung và thầy Hồ Văn Hiền dạy thể dục đều là người Giẻ Triêng, cũng từng là cựu học sinh của trường. Thời điểm bão số 9 đổ bộ vào ngày 28-10, cô Dung và thầy Hiền đều ở lại trường để chăm sóc học trò và phòng chống bão.

Khi cơn bão qua đi, cô Dung nhận được điện thoại từ người thân thông báo căn nhà của mình ở thôn 2, xã Phước Thành đã bị lũ quét cuốn bay tất cả. Chồng cô Dung là công nhân một công ty ở Phước Sơn. Vợ chồng tích cóp, vay mượn thêm 200 triệu đồng làm được căn nhà để ở. Vậy mà gia đình chưa vào ở được ngày nào thì đã bị lũ cuốn trôi. Hôm 19-11, đường vào Phước Thành đã thông nhưng cô Dung vẫn chưa thể về thăm nhà vì bận công việc ở trường.

Còn nhà của thầy Hồ Văn Hiền ở xã Phước Năng (huyện Phước Sơn), cách trường khoảng 7 km. Trong cơn bão số 9, thầy Hiền ở lại trường. Nước suối dâng cao đã cuốn trôi tất cả heo gà, tài sản của gia đình thầy. Vợ thầy một mình ở nhà chỉ kịp ôm 2 đứa con nhỏ chạy thoát. Lũ rút, bão tan, học trò an toàn, thầy Hiền trở về nhà. Trước mắt thầy chỉ còn căn nhà xiêu vẹo, ruộng vườn hoang tàn. Nhưng thầy Hiền nói rằng với những giáo viên ở ngôi trường này, dù thiệt hại nhiều về tài sản nhưng điều may mắn là các học trò đã được an toàn.

Trong số 96 học sinh của trường thì có 9 em bị lũ cuốn trôi hết nhà cửa, 42 em nhà bị tốc mái. Thấu hiểu được sự mất mát của gia đình các em, cô Thứ đã làm cầu nối kêu gọi sự sẻ chia từ mọi người để trong ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nay, nhiều nhà hảo tâm đã về với Phước Sơn trao quà hỗ trợ, giúp các gia đình học trò nghèo dựng lại nhà.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-11

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo