Hà Nội hiện có gần 1 triệu học sinh ăn bán trú mỗi ngày, trong đó khoảng một nửa là trẻ mầm non, còn lại là học sinh phổ thông. Phần lớn các trường phổ thông đều ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm để chế biến tại trường hoặc vận chuyển suất ăn từ bên ngoài vào.
Kiểm tra, giám sát "chạy theo" phản ánh
Hiện một số trường của Hà Nội đã thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm có ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia. Ban giám hiệu nhà trường phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, vẫn có những bức xúc xung quanh suất ăn bán trú ở một vài trường. Mới đây, các phụ huynh có con học ở Trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông, TP Hà Nội) phản ánh suất ăn của con ở trường có giá 32.000 đồng nhưng thức ăn chỉ có vài món lèo tèo. Có bữa khay cơm chỉ có ít rau, một miếng giò và vài ba miếng chả cá. Bữa khác, suất ăn cũng chỉ có một ít khoai tây, 3-4 miếng cá chiên giòn nhỏ và thay miếng giò bằng thịt lợn. Sau khi báo chí phản ánh, Ban Giám hiệu Trường THCS Yên Nghĩa đã làm việc với công ty cung cấp suất ăn và nhận lỗi thiếu sót trong việc giám sát khâu chia khẩu phần ăn.
Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM) đăng ký ăn trưa cùng con Ảnh: ĐẶNG TRINH
Không chỉ ở Hà Nội, suất ăn bán trú của học sinh tại nhiều trường ở TPHCM cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại TP Thủ Đức, sau một số phản ánh của phụ huynh về thực phẩm phục vụ bữa ăn bán trú có dấu hiệu không bảo đảm vệ sinh, một số trường tiểu học trên địa bàn TP đã ngưng tổ chức bữa ăn bán trú và đổi nhà cung cấp khác. Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Thủ Đức, Phòng GD-ĐT cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú, mời phụ huynh cùng tham gia công tác này và thông tin đầy đủ, khách quan để phụ huynh được biết.
Từ ngày 6-11, 6 trường học trên địa bàn TP Thủ Đức tổ chức lại bữa ăn bán trú cho học sinh sau hơn một tuần tạm ngưng công tác bán trú. Đó là các trường gồm Tiểu học Phú Hữu, Tiểu học Trường Thạnh, Tiểu học Phước Thạnh, Tiểu học Long Thạnh Mỹ, THCS Trường Thạnh và THCS Phú Hữu đồng loạt tổ chức lại bữa ăn bán trú sau khi tìm được nhà cung cấp mới. UBND TP Thủ Đức cũng đã tổ chức kế hoạch kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căn-tin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn TP Thủ Đức năm học 2023-2024 trong tháng cao điểm từ ngày 1 đến ngày 30-11.
Phụ huynh có thể kiểm tra đột xuất
Khi các cơ quan chức năng chưa giám sát hết được tất cả các bữa ăn bán trú thì để tạo niềm tin cho phụ huynh, nhiều trường đã công khai quy trình thực hiện bữa ăn bán trú, có sự giám sát của phụ huynh. Tại Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), khi thực phẩm được chuyển đến khu vực bếp ăn nhà trường, tổ giám sát gồm đại diện ban giám hiệu, Công đoàn, giáo viên, phụ huynh học sinh đã tiến hành kiểm tra nhãn mác và cân, đếm từng loại, đồng thời đối chiếu thực đơn hằng ngày của trường.
Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy, cho hay cùng với việc chọn đơn vị cung ứng thực phẩm đủ tư cách pháp lý thì một trong những giải pháp được duy trì hằng ngày là tổ chức giám sát nguyên liệu đầu vào. Phụ huynh có thể kiểm tra đột xuất bất kỳ khâu nào.
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), từ 6 giờ 30 phút hằng ngày đều có tổ trực thực phẩm gồm đại diện ban giám hiệu, nhân viên phụ trách bán trú, bếp trưởng, nhân viên y tế, đại diện giáo viên chủ nhiệm và đại diện phụ huynh học sinh của các lớp xuống bếp ăn kiểm tra chặt chẽ việc tiếp nhận thực phẩm và kiểm thực ba bước gồm kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay cùng với việc lựa chọn một đơn vị cung cấp suất ăn uy tín, nấu trực tiếp tại bếp của nhà trường, trong quá trình tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, ban giám hiệu cùng phụ huynh học sinh thường xuyên giám sát nguồn cung ứng thực phẩm, quá trình chế biến và định lượng suất ăn cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM), theo cô Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Chi, nhà trường thường tổ chức ngày hội "Open house" nằm trong tuần lễ "Open house" để mở cửa đón phụ huynh vào trường. Trong tuần lễ này, nhà trường mời phụ huynh vào thăm bếp ăn của trường, quan sát quy trình chuẩn bị các suất cơm bán trú cho học sinh. Phụ huynh đăng ký ăn cơm trưa sẽ ngồi ở bàn, ăn cùng các con.
Tuy nhiên, số cơ sở giáo dục thực hiện được quy trình bữa ăn bán trú như trên chưa nhiều. Lý giải cho điều này, phó phòng GD-ĐT một quận tại TP HCM cho biết hoạt động bán trú thực sự rất vất vả. Vì nếu không may xảy ra bất kỳ một sơ suất nào thì người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện. Theo nguyên tắc, để có một bữa ăn bán trú, điều đầu tiên là phải an toàn, thứ hai mới đến khẩu phần ăn, thứ ba mới là ngon. "Hiện nay, mỗi cơ sở giáo dục phục vụ một lúc từ 1.000-2.000 học sinh cũng không dễ dàng. Có trường chọn cách công khai mọi quy trình để phụ huynh giám sát nhưng cũng có trường không cởi mở với phụ huynh" - người này nhận xét.
Gần 40% bếp ăn chưa bảo đảm
Theo Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT, hiện có gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căn-tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác tổ chức bữa ăn học đường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bữa ăn học đường còn chưa đáp ứng. Việc đầu tư xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt, chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi.
Kỳ tới: Xoay xở với mức trần 35.000 đồng/suất ăn
Bình luận (0)