xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NỖ LỰC GIÁM SÁT BỮA ĂN BÁN TRÚ (*): Xoay xở với mức trần suất ăn 35.000 đồng

ĐẶNG TRINH - YẾN ANH

Dù bữa ăn học đường được quy định cụ thể phải đủ dinh dưỡng nhưng hiện nay, các trường chủ yếu sử dụng suất ăn công nghiệp. Mức trần một suất 35.000 đồng khiến chất lượng bữa ăn học đường luôn là điều trăn trở của phụ huynh

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết hằng năm đều có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế và cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường.

Quy định phải đủ dinh dưỡng, nhưng...

Năm 2022, Bộ GD-ĐT ban hành Hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh THCS. Theo đó, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm - nên đạt trên 10 loại khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc.

Các trường có thể lựa chọn hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học. Cụ thể: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường; đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài… Các suất ăn phải được chia theo đúng định lượng tính toán; bảo đảm đồ ăn nóng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại TP HCM, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, nhiều trường không thể tổ chức bếp ăn bán trú tại trường mà phải đặt suất ăn công nghiệp bên ngoài. Việc này tiềm ẩn những nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Dù đơn vị cung cấp suất ăn phải chứng minh nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, điều kiện bảo đảm an toàn vận chuyển nhưng rõ ràng, để xác nhận an toàn thực phẩm thì không thể nhìn mà đánh giá được" - hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 băn khoăn.

Đồng tình với ý kiến này, phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất một trường THCS tại quận 10 cho rằng đơn vị cung cấp suất ăn tất nhiên đưa ra đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu; chứng minh điều kiện nấu ăn, vận chuyển vệ sinh, an toàn, bảo đảm dinh dưỡng… Thế nhưng, trường không thể mỗi ngày đều đến tận bếp của họ để kiểm tra, cũng không phải là chuyên gia để biết được mỗi ngày lượng thức ăn như vậy đã hợp lý, đủ dinh dưỡng chưa.

NỖ LỰC GIÁM SÁT BỮA ĂN BÁN TRÚ (*): Xoay xở với mức trần suất ăn 35.000 đồng - Ảnh 1.

Phụ huynh giám sát quy trình chế biến thực phẩm tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM) Ảnh: ĐẶNG TRINH

Trong khi giá cả hàng hóa, các chi phí đều tăng, việc tổ chức bữa ăn trưa 35.000 đồng theo quy định tại Nghị quyết 04 của HĐND TP HCM khiến các trường gặp khó. Chính vì điều này, ngay từ đầu năm học, nhiều trường trước đây thu 40.000 đồng/suất ăn buộc phải cắt phần ăn xế để không vi phạm quy định.

"Với chi phí 35.000 đồng mà để có một phần ăn đầy đặn, đủ dinh dưỡng cho học sinh trong tình hình giá cả ở TP HCM hiện nay là rất khó khăn" - hiệu trưởng một trường THCS tại quận 3 thẳng thắn.

Dù mức thu vênh so với thực tế, nhiều trường học tại TP HCM không dám thu vượt trần bởi vi phạm quy định. Phụ huynh thì xót con, buộc phải cho tiền để trẻ mua thêm đồ ăn ở căng-tin hay bên ngoài.

Phối hợp chặt để giám sát

"Với học sinh THCS, THPT đang tuổi ăn tuổi lớn, việc một suất ăn chỉ có quả trứng chiên kèm vài miếng thịt kho, lèo tèo vài muỗng giá xào và canh thì chắc chắn không thể đủ no, đủ dinh dưỡng để có sức học" - chị H., phụ huynh một trường THPT tại quận 3, nhận xét.

Để không vướng quy định, nhiều trường học tại TP HCM phải cắt bữa xế vốn tổ chức lâu nay. Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1), cho biết trước đây, đa số các trường thu hộ suất ăn trưa bán trú là 40.000 đồng/học sinh nhưng gồm một bữa trưa và một bữa ăn xế. Theo quy định chỉ được thu tối đa 35.000 đồng bữa ăn trưa, vì vậy nhà trường đã thông báo với phụ huynh, không tổ chức bữa ăn xế nữa.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất tăng mức thu đối với suất ăn bán trú. Tuy nhiên, trường bắt buộc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết 04, không đơn vị nào được tổ chức thu thêm hoặc ngoài quy định.

Với các trường không tổ chức bếp ăn bán trú, căng-tin có thể phục vụ suất ăn trưa cho học sinh nhưng vẫn chịu sự giám sát của nhà trường về giá cả, chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm. Việc ban hành các mức thu theo Nghị quyết 04 đã được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ sở giáo dục, căn cứ thống kê 3 năm học gần nhất. Ngành GD-ĐT TP HCM sẽ tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết 04 để tiếp tục tham mưu, đề xuất kế hoạch thực hiện trong những năm học tới.

Theo ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD-ĐT, ở các nước phát triển, bữa ăn học đường được quy định rõ ràng, cụ thể trong luật. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc luật hóa các vấn đề về sức khỏe học đường, dinh dưỡng học đường là giải pháp về lâu dài; nếu áp dụng ngay thì chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội nước ta.

Ông Nguyễn Thanh Đề cho rằng trong điều kiện hiện nay, để có bữa ăn học đường an toàn, đủ dinh dưỡng, cần sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý đến nhà trường, phụ huynh... trong việc giám sát. 

Phải là bữa ăn tốt nhất trong ngày

Tại nhiều quốc gia, bữa ăn tại trường học được xem là bữa ăn quan trọng, giúp học sinh phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, thậm chí giúp cân bằng chế độ dinh dưỡng tổng thể của trẻ, do đó phải đáp ứng các bộ tiêu chí nghiêm ngặt.

Theo Hướng dẫn thực hành tiêu chuẩn thực phẩm trường học của Anh, thức ăn phải sử dụng nguyên liệu tươi, nhiều trái cây và rau quả; nhiều thực phẩm giàu tinh bột chưa tinh chế; đa dạng thịt, cá, trứng, đậu và các nguồn protein khác; có một số loại sữa và thực phẩm từ sữa; chỉ được có một lượng nhỏ thức ăn và đồ uống có nhiều chất béo, đường, muối. Ngoài ra, mỗi nhóm thực phẩm đều có quy định chi tiết về tần suất phục vụ trong tuần để trẻ được ăn đa dạng.

Mỹ cũng có bộ tiêu chí chi tiết cho bữa ăn học đường, ngoài ra còn quy định cả lượng calo mà các bữa ăn phải đáp ứng. "Bữa ăn ở trường là bữa ăn có giá trị dinh dưỡng cao nhất so với bất kỳ bữa ăn nào mà trẻ em có thể dùng bên ngoài" - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack nhấn mạnh.

Trong khi đó, Luật Bữa ăn học đường có từ lâu ở Nhật Bản quy định bữa trưa tại trường được cung cấp bởi chuyên gia dinh dưỡng, bảo đảm học sinh nhận được bữa ăn cân bằng, lành mạnh mỗi ngày. Bữa ăn được chuẩn bị bằng thực phẩm tươi sống (không đông lạnh hoặc chế biến sẵn); chứa khoảng 600-700 calo, bao gồm carbohydrate, thịt cá và rau.

Thu Anh

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-11

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo