40 triệu đồng là số tiền nợ…“kỷ lục” mà Trường THPT Quế Sơn, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) không có khả năng thanh toán cho giáo viên (GV) dạy môn địa lý Lê Văn Nghĩa. Hiệu trưởng Phan Văn Hải, cho biết tính đến ngày 30-9, số tiền các khoản quyền lợi mà GV trường chưa được nhận gần 500 triệu đồng!
Nợ từ A tới Z
Trong số tiền 40 triệu đồng thầy giáo Lê Văn Nghĩa “được” nợ gồm các khoản như: tiền tăng giờ, nợ chênh lệch mức lương (từ 350.000đ lên 450.000đ nhân hệ số lương), tiền công tác phí, phụ cấp 30% lương từ tháng 6 đến tháng 9-2006, truy lĩnh chênh lệch phụ cấp 30%. Chỉ riêng tiền dạy tăng giờ, thầy Nghĩa chưa được thanh toán đến 32 triệu đồng!
Không riêng gì các trường THPT do sở GD-ĐT quản lý, mà hầu hết các trường từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS thuộc các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều nợ các khoản thanh toán về quyền lợi (ngoài lương) của các GV.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Quế Sơn, các khoản nợ ngân sách cho các trường từ năm 2003 đến hết năm học 2005-2006 gần 1,58 tỉ đồng. Trong "sớ" nợ này có 497,6 triệu đồng là tiền nợ tăng giờ bậc học THCS; 224 triệu đồng nợ tăng thay giờ bậc tiểu học; 422,7 triệu đồng công tác phí bậc THCS; hơn 247,5 triệu đồng nợ công tác phí bậc tiểu học; 143 triệu đồng nợ tiền lương ngành học mầm non, mẫu giáo bán công.
Ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài vụ, Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết: Tổng số tiền nợ tăng giờ cho GV ở 33 trường THPT công lập trong năm học 2005-2006 là 2,635 tỉ đồng; nợ chế độ chính sách cho GV, cán bộ quản lý vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt ở 64 xã là 1,7 tỉ đồng. Năm học 2006-2007 chưa quyết toán kinh phí nên chưa biết cụ thể số tiền nợ GV toàn tỉnh là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ không thấp hơn 4 tỉ đồng!
Vừa dạy vừa "thấp thỏm"... lo trả nợ
Do thiếu GV nên thầy giáo Lê Văn Nghĩa phải dạy 28 - 30 tiết/tuần, tăng từ 10 - 12 tiết so với quy định. Dạy tăng giờ vất vả nhưng tiền không chi trả kịp thời đã làm cho đời sống gia đình vốn đã khó còn khó hơn. Thầy giáo Lê Văn Nghĩa, bức xúc nói: "Vợ chồng tôi có hai đứa con, một đứa con đang học đại học và một đứa đang học THPT. Trong khi ngân sách địa phương nợ vợ chồng tôi hơn 42 triệu đồng chưa biết khi nào được trả, thì gia đình tôi phải vay ngân hàng 20 triệu đồng sửa chữa nhà ở, mỗi tháng chịu lãi suất 1,18%".
Thầy Lưu Văn Phước, GV dạy môn địa kiêm Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Quế Sơn, phân trần: "GV đã nhiều lần phản ánh về những khoản kinh phí chính đáng phải thanh toán cho họ ra cuộc họp hội đồng sư phạm và công đoàn nhà trường. Không ít người cho là công đoàn không can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho GV”. Làm chủ tịch công đoàn trường nhưng thầy Phước không can thiệp được gì. Chính bản thân thầy cũng “được” nợ… 36 triệu đồng!
Điều trớ trêu là những GV trở thành “chủ nợ” ở Quảng Nam đến nay vẫn không biết ai là “con nợ” của mình (?). GV phản ánh lên trường, trường báo cáo lên phòng, lên sở, sở lại “kêu” lên UBND tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo hai ngành tài chính và giáo dục ngồi lại để thẩm định và đề xuất phương án giải quyết. Nhưng đến nay, các “chủ nợ bất đắc dĩ” phải chờ dài dài. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bán công Quế Phú (Quế Sơn), lo lắng: “Quyền lợi chưa được thanh toán, đời sống khó khăn thì GV không an tâm công tác. Vừa qua, có 3 GV trong trường đã viết đơn xin nghỉ dạy. Nhà trường cùng với địa phương chỉ động viên các cô ở lại, vì dù sao các cô cũng đã gắn bó nhiều năm và rất yêu thương các cháu”.
Theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam Trần Minh Hiệu, nhà trường hiện đang “bí”, chưa biết nguồn đâu để chi trả 620 triệu đồng tiền “nợ khó đòi” cho giáo viên trong trường.
Rối như tơ vò
Trước bức xúc về các khoản quyền lợi chưa được thanh toán của GV, UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức cuộc họp chuyên đề bàn giải pháp cho vấn đề này. Con số 25 tỉ đồng đang nợ GV là “thực” hay “ảo” cũng được xem xét. Trưởng phòng giáo dục một huyện miền núi khẳng định là thực. Địa phương đã… rút bớt một số khoản thanh toán, nếu không sẽ nhiều hơn con số báo cáo.
Theo lãnh đạo sở và các phòng giáo dục, tiền dạy tăng giờ của GV là khoản nợ lớn nhất hiện nay. Cả những trường thừa giáo viên cũng nợ tiền tăng giờ và tiền dạy thay, bởi môn này thừa thì môn kia lại thiếu; giáo viên dạy toán thừa cũng không thể phân công dạy thay GV môn địa.
Ông Hà Quang Minh, cho biết: “Năm học 2007-2008, các trường khối THPT trên địa bàn tỉnh thiếu 459 GV. Do đó, bắt buộc GV phải dạy thêm tiết hoặc dạy thay, mà dạy thay thì thì phải trả 1,5 tiền tiết dạy chính thức. GV hệ số lương cao dạy thay cho GV có hệ số lương thấp nhưng tiền dạy thay phải tính theo mức chi trả cho người có lương cao. Như thế cũng đã phát sinh thêm một khoản kinh phí cần phải chi trả là không nhỏ”.
Ngoài khoản nợ tiền tăng giờ, dạy thêm, nhiều GV cũng chưa được thanh toán tiền phụ cấp và truy lĩnh chênh lệch mức lương. Khoản chênh lệch này quá lớn đối với khoản kinh phí “một cục” giao cho mỗi trường từ đầu năm. Nhiều trường không có khả năng chi trả tiền tăng lương nên không… nâng bậc lương cho những GV hợp đồng (?). Theo quy định mức thu học phí của UBND tỉnh, học phí tại các trường bán công không tăng, nhưng lương GV hằng năm lại tăng. Thu không bù được chi, các trường bán công ở Quảng Nam cũng “kêu trời”. Hầu hết các trường thuộc phòng giáo dục thì trông chờ vào sự hỗ trợ của địa phương, nhưng địa phương không thể “hào phóng”, vì cũng nghèo!
Quyền lợi chính đáng chưa được thanh toán (và không biết bao giờ), do khó khăn trong cuộc sống, những GV là “chủ nợ” lại trở thành… con nợ của các ngân hàng. Nhiều giáo viên lương chưa đủ sống, trong khi vật giá lại cứ leo thang. Một DN chậm trả lương hay quyền lợi cho công nhân thì sẽ bị phản ứng, thậm chí công nhân sẽ đình công. Nhưng với GV, đã mang lấy nghiệp “đưa đò” nên họ không biết làm gì hơn, bởi họ là công chức Nhà nước.
Bình luận (0)