Chị Hoàng Thị Minh Anh, sinh sống tại khu chung cư B.A, phường An Khánh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết cả gia đình chị đều đi làm, bé lớn năm nay học lớp 4 có thể chủ động việc học trực tuyến nhưng còn một con trai nhỏ mới 3 tuổi không còn cách nào khác là phải gửi vào nhóm trẻ do các cô ở Trường Mầm non T.T gần chung cư nhận chăm sóc.
Từ nhu cầu "khẩn thiết"
"Cứ 7 giờ sáng hằng ngày, cô sẽ đến tận nhà đón bé và 16 giờ 30 phút chiều mang bé về nhà gửi lại cho gia đình. Giá trông giữ mỗi tháng là 3,5 triệu đồng không bao gồm tiền ăn sáng" - chị Minh Anh nói. Theo phụ huynh này, phải gửi con vào nhóm trẻ là điều không thể tránh được dù biết tiềm ẩn những rủi ro. "Thế nhưng không còn cách nào khác, khi người lớn đều đi làm hết. Nếu thuê người giúp việc thì chi phí đắt hơn nhưng con đến tuổi đi học, đến nhóm trẻ tuy không đông các bạn như ở trường nhưng con được giao tiếp, hoạt động sẽ tốt hơn là ở nhà" - chị Minh Anh cho biết thêm.
Khi phụ huynh đi làm, nhu cầu gửi trẻ đến trường vô cùng lớn, khẩn thiết, trong khi đó, trường học chưa mở cửa khiến nhiều gia đình khổ sở. Trong vai phụ huynh có con 2 tuổi cần tìm nhóm trẻ để gửi, chúng tôi liên hệ với cô Linh, giáo viên Trường Mầm non A.C (đường Trần Não, TP Thủ Đức). Cô Linh cho biết nhóm chỉ nhận giữ từ 4-6 bé, từ 3 tuổi trở lên, nhóm không nhận trẻ độ tuổi nhỏ hơn vì không có bảo mẫu chăm sóc. "Các cô phải làm luôn việc bảo mẫu nên không nhận trẻ số lượng lớn được" - cô Linh nói.
Nhu cầu phụ huynh gửi trẻ hiện nay là rất lớn (Ảnh: BẢO LÂM)
Theo tìm hiểu của phóng viên, các nhóm trẻ rất dễ tự phát mở ra khi trường học chưa mở cửa. Tại khu vực đường Trần Não, khu vực Thảo Điền (TP Thủ Đức), nơi có nhiều trường mầm non tư thục, cũng là nơi có nhiều nhóm trẻ tự phát mở ra. "Trước khi gửi con, gia đình cũng đã tìm hiểu một số điểm nhận giữ trẻ, đa số đều là các cơ sở thoáng mát, bảo đảm vệ sinh vì đang trong giai đoạn dịch bệnh khó lường, các cô cũng không dám chủ quan. Quan trọng nhất là xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Phụ huynh chấp nhận gửi trẻ vì không còn cách nào tốt hơn" - chị Thủy, nhà tại phường Thảo Điền, kể.
Chưa dự kiến thời gian mở cửa trường
Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, theo quy định, việc quản lý, cấp phép cho các nhóm trẻ, lớp mầm non, mẫu giáo độc lập là do quận, huyện và các phường phụ trách. Theo nguyên tắc, nếu không có phép thành lập mà hoạt động là không đúng, chưa tính đến các yếu tố an toàn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. Phía ngành cũng đã thường xuyên nhắc nhở, lưu ý các địa phương về công tác quản lý các nhóm trẻ. Nói về kế hoạch mở cửa trường học bậc mầm non, theo bà Điệp, không thể nói được dự kiến thời gian nào vì hiện nay mỗi cấp học đều có những kế hoạch chuẩn bị riêng, song phải chờ quyết định của thành phố. Từ quyết định đó, mỗi cấp học và ngành y tế mới có hướng dẫn các bước chuẩn bị cụ thể trên cơ sở kế hoạch ở từng địa phương.
Ở một góc độ khác, theo bà Điệp, hiện các trường mầm non tư thục tại TP HCM gặp muôn vàn khó khăn vì dịch bệnh, ngành GD-ĐT thành phố rất chia sẻ với các trường và đội ngũ thầy, cô giáo. Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư ban hành quy chế, tổ chức và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập. "TP HCM cũng đã có kế hoạch triển khai Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển mầm non trên địa bàn TP HCM, đặc biệt tại các khu công nghiệp và chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập… đây là những tín hiệu vui cho các trường" - bà Điệp cho biết.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã có tờ trình về dự thảo Nghị quyết chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại thành phố, gửi đến Thường trực UBND TP HCM. Trong đó, đề xuất 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo dự thảo gồm: Cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục. Trẻ em đang học tại các cơ sở mầm non dân lập, tư thục có cha, mẹ là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục. Theo đề xuất, cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất một lần, gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy theo danh mục quy định của Bộ GD-ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Mức hỗ trợ bình quân là 34,7 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Chính sách trợ cấp với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp: 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học. Giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.
Biết nhưng khó quản lý
Phụ trách mầm non một phòng GD-ĐT cho rằng hiện nay nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh là có thật, các nhóm trẻ tự phát cũng nhiều nhưng thực tế rất khó quản lý, chẳng hạn như có nhóm trẻ nói là con, cháu người nhà mở ngay trong gia đình. Có trường hợp các gia đình tự thỏa thuận với nhau, gom các trẻ lại và thuê cô về dạy... "Qua khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh của các trường trên địa bàn quận vừa qua, đa số phụ huynh đều có nguyện vọng trường học sớm mở cửa nếu được đánh giá an toàn" - vị này cho biết.
Bình luận (0)