Tiền thân của Trường Tiểu học Thăng Long (20 Ngõ Trạm, Hoàn Kiếm - Hà Nội) là Trường Tư thục Thăng Long được sáng lập bởi một nhóm thanh niên trí thức yêu nước và giác ngộ cách mạng cách đây 82 năm.
Từ khi thành lập cho đến trước những năm 1960, trường nổi danh khắp xứ Bắc Kỳ và cả nước bởi thầy dạy hay, trò học giỏi.
Trường tiểu học Thăng Long mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Ảnh: Internet
Hầu hết nhà giáo của Trường Thăng Long trước Cách mạng Tháng Tám đã trở thành những nhà hoạt động cách mạng, nhà lãnh đạo chính trị hay nhà văn hóa tên tuổi, như: Phạm Hữu Ninh, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Bùi Kỷ, Phan Thanh, Vũ Đình Liên, Đặng Vũ Xích, Nguyễn Lân, Lê Thị Xuyến. Nhiều học sinh trường này đã trở thành cán bộ nòng cốt của đất nước...
Đặc biệt, Trường Tư thục Thăng Long cũng chính là nơi khởi nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1939, sau khi ra Hà Nội hoàn thành chương trình tú tài phần hai và đỗ đầu kỳ thi, ông thi vào Trường Luật khoa của Đại học Đông Dương và nhận dạy thêm môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long.
Theo bà Phan Thị Thắng, hiệu trưởng nhà trường, sở dĩ trường phải xây mới là để đạt chuẩn quốc gia vào năm 2013. Việc xây dựng này nằm trong kế hoạch cải tạo, sửa chữa theo chấp thuận của UBND quận Hoàn Kiếm ngày 18-7-2011. Dự án xây trường mới sẽ triển khai đầu tháng 10-2011 với kinh phí 77 tỉ đồng.
Quyết định trên của Trường Tiểu học Thăng Long không nhận được sự đồng tình của nhiều người. PGS Văn Như Cương cho rằng nên giữ lại ngôi trường cũ với dấu ấn của nhiều danh nhân và xin đất để xây mới thì hợp lý hơn.
Đối với phụ huynh, phương án di dời học sinh để xây trường khiến họ thực sự lo lắng. Theo đó, ban giám hiệu trường sẽ thuê ngôi nhà nhỏ 5 tầng rưỡi với diện tích sàn chỉ hơn 100 m2 tại 319 phố Bạch Đằng để dồn hơn 400 cháu bé vào học là rất bất ổn. Anh Ngô Mạnh Hùng biết đã đến tìm hiểu ngôi nhà ống này.
"Trong nhà chỉ có một cầu thang rộng chưa đầy 1 m, lại dốc đứng nên rất nguy hiểm cho học sinh. “Nếu có sự cố thì chạy bằng cách nào” - phụ huynh Hùng phân vân.
Một số phụ huynh có con học lớp 3 cũng cho biết đã tới xem xét nơi dự định bố trí học sinh học tạm ở địa chỉ 319 Bạch Đằng và rất thất vọng.
Tầng 2 và 3 phòng học ngoài chỉ có diện tích 27 m2, 1 nhà vệ sinh rất nhỏ. Phía trong gồm 2 phòng, mỗi phòng khoảng 17 m2. Dự kiến mỗi tầng có khoảng gần 100 học sinh và giáo viên, tính ra mỗi học sinh chỉ có khoảng 0,6 m2 để học và sinh hoạt. Phụ huynh rất lo lắng trước tình trạng diện tích nhỏ, ít nhà vệ sinh.
Đồng tình với ý kiến phản đối của phụ huynh học sinh, PGS Văn Như Cương bức xúc: “Đây là một việc hết sức liều lĩnh. Cần thiết phải giữ lại ngôi trường cũ với những giá trị lịch sử của nó”.
Bình luận (0)