PGS Nguyễn Thị Thanh Hà và các cộng sự đã hoàn thành 4 đề tài cấp cơ sở, công bố 28 bài báo khoa học, trong đó 16 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Say mê vật lý lý thuyết và tính toán
Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình trong một gia đình nhiều đời làm nghề giáo, mẹ là giáo viên dạy văn, Nguyễn Thị Thanh Hà nhận được sự giáo dục nghiêm khắc ngay từ nhỏ. Cô thường xuyên được bố đưa đón đi học, tuyệt đối không bao giờ dám nghỉ học hay trốn tiết. Mong muốn của mẹ Hà là con gái sẽ nối nghiệp bà làm giáo viên. Chính vì thế, dù từng trăn trở liệu mình có nên theo đuổi ngành kinh tế hay ngân hàng vì tính toán khá nhanh, cuối cùng khi nộp hồ sơ thi ĐH, Hà vẫn chỉ có lựa chọn duy nhất là Khoa Sư phạm, nay là Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội. Ngày biết điểm thi, mẹ PGS Hà vỡ òa trong niềm vui vì con gái chắc chắn trúng tuyển và theo nghề của mình.
Những năm đầu ĐH, nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Hà được học và tiếp xúc với vật lý chuyên sâu nhờ được học chuyên ngành ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội. Bị thu hút và được nhiều giảng viên có chuyên môn giảng dạy, Hà quyết định theo chuyên ngành vật lý lý thuyết và tính toán. Những ngày đầu bỡ ngỡ nghiên cứu khoa học, Hà không biết bắt đầu từ đâu, mọi thứ đều rất mới mẻ. Nhưng sự mới mẻ ấy vừa là thách thức vừa là đam mê để người ta say mê khám phá. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, Hà hoàn thành nghiên cứu khoa học đầu tiên, cũng là đề tài tốt nghiệp về vật lý với đề tài "Tương tác tham số giữa phonon âm giam cầm và phonon quang giam cầm trong hố lượng tử".
PGS Nguyễn Thị Thanh Hà
Nỗ lực để thành công
Nhìn lại con đường nghiên cứu khoa học của mình, PGS Hà cho hay cô thực sự là người may mắn vì đã luôn nhận được sự hỗ trợ của các thầy cô, những người đi trước đầy tâm huyết và chuyên môn cao. "Nếu không có những người thầy và cộng sự ấy, có lẽ tôi đã không thể hoàn thành được mọi việc nhanh chóng và thuận lợi như vậy" - cô chia sẻ.
Tốt nghiệp ĐH, Hà có được cơ hội học lên thạc sĩ theo diện chuyển tiếp, đồng thời về công tác tại Viện Vật lý Kỹ thuật - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nữ PGS trẻ nhất năm 2020 cho hay mọi thứ diễn ra trôi chảy giống như một cái duyên và chị đã gặp được những người thầy tốt, được chỉ dẫn tận tình trên con đường nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chính sự nghiêm khắc đối với con gái những năm còn đi học của mẹ Hà cũng giúp chị có được sự nề nếp, chỉn chu và kỷ luật. "Sau này tôi mới thấy rằng điều đó thật sự cần thiết cho công việc của người làm nghiên cứu khoa học" - PGS Hà nhìn nhận.
Trong hơn 10 năm làm nghiên cứu, PGS Nguyễn Thị Thanh Hà và các cộng sự đã hoàn thành 4 đề tài cấp cơ sở, công bố 28 bài báo khoa học, trong đó 16 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín như Materials Chemistry and Physics, European Physical Journal, Journal of Non-Crystalline Solids, Physical Review E... Các công trình khoa học của chị chủ yếu tập trung nghiên cứu về mô phỏng các vật liệu trong đời sống bằng máy tính. Đối tượng nghiên cứu là tập trung chủ yếu vào các vật liệu ôxít (SiO2, Al2O3, GeO2) và ôxít nhiều thành phần (Na2O-SiO2, Al2O3-SiO2, CaO-SiO2…). Đây là các loại vật liệu có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như gạch chịu lửa, vật liệu sinh học, xử lý chất thải hạt nhân. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần đưa ra các dự đoán về tính chất mới của vật liệu.
Bên cạnh việc nghiên cứu, mỗi tuần PGS Hà vẫn lên lớp 3-4 buổi với các sinh viên. Hơn 10 năm đi dạy, nữ giảng viên luôn giữ thói quen trước mỗi buổi lên lớp, sẽ đọc lại bài ít nhất 2 lần và cố gắng soát kỹ lưỡng các nội dung học để chuẩn bị bài giảng tốt nhất có thể. Cô tạo cho bản thân thói quen luôn nghiêm túc, nỗ lực trong công việc.
Dạy học là chia sẻ
PGS Nguyễn Thị Thanh Hà quan niệm dạy học là chia sẻ, truyền đạt kiến thức, cùng sinh viên phản biện làm rõ các vấn đề. Cô nhận xét sinh viên bách khoa rất giỏi và thông minh, vì thế nữ giảng viên luôn quan niệm không phải mình đang đi dạy mà là đang chia sẻ những thứ mình có, đồng thời nhận lại được những kiến thức mới từ các sinh viên thông qua việc trao đổi, tranh luận. Khi hướng dẫn sinh viên, PGS Hà luôn khuyến khích tự tìm thêm tài liệu chuyên ngành để phản biện và đóng góp bài giảng. Điều đó giúp quá trình học tập và trao đổi của cô trò trở nên nhẹ nhàng, chất lượng hơn, đồng thời cũng giúp nữ giảng viên 34 tuổi hoàn thiện mình hơn.
Bình luận (0)