Trong những ngày qua, trong khi Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục bàn thảo để quyết định có tăng giá sách giáo khoa (SGK) hay không thì SGK giá mới đã được bày bán khắp nơi. Động thái nhanh tay phát hành SGK theo giá mới của NXB Giáo dục những ngày qua đã khiến dư luận bức xúc.
Tăng giá từ đầu năm 2008
Phân trần về lý do tăng giá sách, ông Ngô Trần Ái, Giám đốc NXB Giáo dục, cho rằng giá giấy nguyên liệu tăng, các nhà in đòi tăng giá, nên giá SGK phải tăng. Cụ thể là ngày 12-2, Công ty Giấy Tân Mai đã có công văn thông báo giá bán giấy tăng từ 6,4% đến 6,6%. Ngày 27-2, Hiệp hội In Việt Nam lại có công văn gửi Bộ GD-ĐT trình bày về những khó khăn bất thường trong việc in đấu thầu SGK năm học 2008-2009 và đề nghị NXB Giáo dục điều chỉnh giá thanh toán của các gói thầu tương đương mức chênh lệch biến động của giá vật liệu mới, nếu không các nhà in sẽ “án binh bất động”. Trước những khó khăn khách quan này, NXB đã có công văn gửi Thủ tướng xin điều chỉnh giá SGK năm học 2008-2009 và đã được chấp nhận. Chính vì thế mà ngày 1-5, NXB đã thông báo điều chỉnh giá cho các nhà in.
Theo những thông tin mà ông Ngô Trần Ái cung cấp, có thể hiểu việc tăng giá SGK chỉ đặt ra từ tháng 2-2008, khi giá giấy nguyên liệu đã tăng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sách mới được bày bán đều là những sách đã được in giá bán đã tăng. Một nhân viên của Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội (công ty con của NXB Giáo dục), lý giải về giá sách mới rằng các sách này đều phát hành đầu năm 2008, là sách phục vụ năm học mới nên giá tăng từ 7%-10%. Một nguồn tin cũng cho biết thêm, chủ trương tăng giá sách đã được NXB Giáo dục đưa ra ngay từ đầu năm nên khi triển khai in ấn, NXB đã yêu cầu in thẳng giá mới vào bìa sách. Theo ông Phạm Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phát hành Sách Fahasa, từ tháng 4, Công ty Phát hành sách và Thiết bị trường học thuộc NXB Giáo dục đã ký hợp đồng với Fahasa để bán SGK mới và sách này đã phát hành.
Những thông tin trên cho thấy NXB Giáo dục đã tính toán nâng giá sách ngay từ đầu năm chứ không phải chờ đến khi Chính phủ đồng ý mới tăng giá và cũng không phải là đến 1-5-2008 mới thông báo điều chỉnh giá tới các nhà in vì rất nhiều sách đã được bán tràn lan.
Giá giấy chỉ tăng 6,5% nhưng giá SGK tăng 10%
Không chỉ bị coi là “cầm đèn chạy trước ô tô” khi phát hành SGK giá mới mà chưa được phép, NXB Giáo dục còn gây bức xúc vì tăng giá sách quá cao. Lý do mà NXB đưa ra để tăng giá sách là giá giấy nguyên liệu tăng, nhưng chỉ tăng từ 6,4% đến 6,5%, thế nhưng giá sách thành phẩm tăng đến 10%. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng thấy qua việc tăng giá sách lần này, NXB sẽ thu về một số lãi khổng lồ vì số lượng bản sách phát hành phục vụ cho năm học mới là một con số cực lớn. Như thế, không thể nói là NXB phải chịu lỗ mà là người dân phải gánh thêm quá nhiều gánh nặng bởi những tính toán nặng về kinh doanh của NXB này. Đó là chưa kể đến NXB Giáo dục đã từng lên phương án tăng giá sách lên đến 15%-20%.
Dư luận bức xúc, nhưng người trong cuộc thì lại rất “vô tư”. Trong một cuộc trao đổi với báo chí ngày 8-5, khi được hỏi tại sao lại vội vàng công bố giá SGK khi Bộ GD-ĐT còn chưa có quyết định, ông Ngô Trần Ái cho rằng sắp tới, NXB phải làm việc với Bộ GD-ĐT về vấn đề tăng giá sách. Nhưng theo ông Ái, đó chỉ là giải trình cho rõ hơn để bộ nắm được, còn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý cho tăng giá. Trong khi đó, ngày 6-5, chính Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết, trước tình hình mới, ông đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Thứ trưởng Phạm Vũ Luận nghiên cứu, báo cáo rõ hơn để trình Chính phủ trước khi quyết định tăng giá hay không. Và đến hôm qua, 10-5, việc có tăng giá sách hay không vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Trong cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, liên tục những ngày qua, Bộ GD-ĐT phải cập nhật, xử lý các thông tin, tình huống để đưa ra các phương án tăng giá hợp lý nhất. Đến thời điểm này, giá SGK chắc sẽ tăng, vấn đề còn lại là tăng bao nhiêu, vì không tăng thì doanh nghiệp không chịu được. Về các giải pháp tránh việc tăng giá sách như thay đổi giấy in, tránh lãng phí giấy trắng trong SGK... ông Luận cho rằng đó là phần kỹ thuật và cái gì cũng phải theo chuẩn của nó.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Tôi sẽ chất vấn Chính phủ về giá SGK Trong bối cảnh chung giá cả đang leo thang hiện nay, Chính phủ đã có yêu cầu không tăng giá những mặt hàng thiết yếu, ít nhất là cho đến hết tháng 6-2008. Mặc dù SGK không nằm trong danh mục những mặt hàng không được tăng giá nhưng đây là mặt hàng nhạy cảm thì không nên tăng giá mà ngược lại cần phải nghiên cứu để giảm. NXB Giáo dục phải báo cáo cơ cấu giá sách cụ thể, nếu đúng là giá thành sản xuất cao, NXB bị lỗ thì phải tìm những giải pháp khắc phục khác. Chẳng hạn, hiện nay xã hội đã phân hóa giàu nghèo, thì có thể in SGK với giấy đẹp, giá cao cho người có đủ tiền mua. Còn lại thì có thể chọn loại giấy có phẩm cấp thấp hơn hiện nay, miễn là bảo đảm chất lượng tối thiểu cho học sinh sử dụng, mục đích cuối cùng là tiếp tục hạ giá thành SGK xuống nữa. Tôi cũng nghe thông tin dù Bộ GD-ĐT chưa đồng ý nhưng NXB Giáo dục tăng giá bán, tôi sẽ kiểm tra lại thông tin, nghiên cứu kỹ vấn đề để chất vấn Chính phủ trong kỳ họp này. Th.An ghi Ông Lê Kế Đức, Phó Giám đốc Công ty Sách - thiết bị Trường học TPHCM: Đang phân phối SGK theo giá mới Hiện nay, Công ty Sách - thiết bị trường học TPHCM vẫn đang áp dụng theo thông báo giá SGK mới của NXB Giáo dục. Công ty chưa nhận được thông báo ngưng thực hiện việc bán SGK theo giá mới. Hiện nay công ty đã nhập về lượng SGK khá lớn đang phân phối cho các đại lý lớn cấp 1 là các công ty văn hóa Phương Nam, Thành Nghĩa, Fahasa, hệ thống đại lý cấp 2 là các trường học trên toàn TP và các nhà sách tư nhân là đại lý cấp 3. Trong tuần vừa qua, các nhà sách, cửa hàng sách... lượng người đến mua SGK rất vắng vẻ, nên hầu hết các nhà sách và cửa hàng nhận và bán ra rất ít SGK. Bắt đầu từ hôm nay lượng SGK đang được công ty phân phối ra nhiều hơn, dự kiến các cửa hàng, nhà sách sẽ bán SGK nhiều hơn từ tuần sau trở đi. Y.Thy ghi |
Độc quyền phát hành làm tăng giá SGK Chỉ cần xóa độc quyền trong khâu phát hành, cắt được chiết khấu phát hành trung gian, đã giảm được 10% chi phí này Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, một số doanh nghiệp phát hành sách tại TPHCM khẳng định: Nguyên nhân tăng giá SGK chính là do cơ chế phát hành độc quyền. Nếu Chính phủ cho phép thì trong tình hình hiện nay, các NXB khác hoàn toàn có thể in SGK mà không cần tăng giá. Lý do các nhà in đòi tăng giá dẫn đến việc tăng giá SGK của NXB Giáo dục là điều vô lý. Bởi thực tế đến thời điểm này, giá mực in cũng như lương công nhân nhà in đều không tăng. Còn điện thì đã được kìm giá lại. Năm 2007, khi nói về phá bỏ độc quyền trong in ấn, phát hành SGK, NXB Giáo dục đã “khất” thêm một năm, nhưng cho đến nay tình trạng độc quyền vẫn chưa thấy biến chuyển. Tại sao chỉ có Công ty Sách - Thiết bị trường học độc quyền phân phối SGK? Chính việc phân phối độc quyền này đã phát sinh thêm vấn đề chi phí trong chiết khấu. NXB Giáo dục chiết khấu 22% khi phân phối sách cho Công ty Sách - Thiết bị trường học (ở các khu vực miền núi là 32%-theo số liệu năm 2007), công ty này lại phân phối lại cho các nhà sách, các đại lý sách với chiết khấu 12%. Vậy chỉ cần xóa bỏ độc quyền trong khâu phát hành là đã có thể cắt chiết khấu trung gian, giảm được 10% chi phí phát hành. Một bài toán rất đơn giản như vậy vì sao không được tính đến? Từ thực tế về việc xóa bỏ độc quyền trong thị trường lịch bloc cho thấy: Khi còn ở thế độc quyền thì giá lịch mỗi năm mỗi tăng, nhưng hiện nay giá lịch mỗi năm mỗi giảm. Như vậy, vì sao lại không tiến hành xã hội hóa trong việc in ấn-phát hành SGK? Các giải pháp mà NXB Giáo dục đưa ra để giải quyết những hệ lụy của việc tăng giá SGK chỉ là một cách nói đánh lừa dư luận. Các phương cách như mua lại sách cũ với giá 30%-40% so với giá bìa, tặng phiếu giảm giá 10% cho học sinh... rất khó khả thi. Tại TPHCM chỉ có một điểm thu mua sách cũ là Công ty Sách thiết bị - Trường học (số 225 Nguyễn Tri Phương, Q.5), vậy thử hỏi những học sinh ở vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ... có thể mang sách đi bán để nhận chưa được 20.000 đồng/bộ sách - số tiền không đủ cho chi phí đi lại hay không? Nhưng quan trọng nhất là không học sinh nào vừa học xong lại có thể bán sách cũ, vì chương trình thi ở bậc THCS cũng như THPT kiến thức đều phủ rộng ở các khối lớp. Và có bao nhiêu học sinh trong hơn 10.000 trường học khắp cả nước được học sách mượn từ thư viện? Việc phát phiếu giảm giá 10% chỉ là dự kiến của NXB Giáo dục, chưa biết số lượng phát hành là bao nhiêu, thời gian phát hành và học sinh có thể nhận phiếu ở đâu. Chưa kể các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa - đối tượng cần tấm phiếu này nhất - thì lại khó có cơ hội tiếp cận. NXB Giáo dục cũng khuyến khích sử dụng sách cũ, nhưng thực tế chất lượng giấy bìa của các đầu SGK hiện nay rất kém. TIỂU QUYÊN |
Bình luận (0)