- Ngày 20-6, Trường Mầm non Bé Ngoan, quận 1, dán thông báo tuyển 30 cháu/mỗi lứa tuổi, không tuyển cháu 4 tuổi vì đã quá đông. Nhiều phụ huynh đến trước đó nhưng... đã hết chỗ! - 5 giờ 30 ngày 3-7, nhiều phụ huynh đã có mặt để nộp đơn xin cho con vào Trường Mầm non trọng điểm Gò Vấp. Nhà trường phải mời công an đến ổn định trật tự. Mới 6 giờ, trường tuyên bố... đủ hồ sơ. Không ít phụ huynh đã thất vọng ra về. - Từ ngày 1 đến 5-7, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, đã nhận gần 2.000 hồ sơ xin vào lớp 1 chương trình tăng cường tiếng Anh, trong khi chỉ tiêu của trường là 120 học sinh. - Sáng 14-7, ngày đầu tiên nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận 4, rất đông phụ huynh chờ trước cổng từ 5 giờ sáng, đến 7 giờ 30 trường mới chính thức nhận hồ sơ và quang cảnh hỗn loạn đã diễn ra sau đó. Trường này chỉ nhận 135 học sinh lớp 1.
- Ông Trương Song Đức: Tôi đơn cử như ở quận 1, trước đây áp lực của phụ huynh chỉ tập trung vào Trường THCS Nguyễn Du, hiện nay áp lực ấy được phân bổ đến Trường THCS Trần Văn Ơn, THCS Võ Trường Toản, THCS Minh Đức, THCS Đức Trí... Điều đó cho thấy áp lực trên có giảm đi trên từng trường cụ thể. Trên bình diện chung toàn TP, trước đây các trường ở quận trung tâm có môi trường giáo dục và chất lượng đào tạo cao, nhưng nay tình hình đã khác, có chuyển biến theo hướng tích cực, các quận, huyện ngoại thành, vùng ven chất lượng đậu tốt nghiệp có nơi còn cao hơn nội thành.
Những cảnh chờ chực xin cho con vào trường điểm
. Nhưng hiện tượng “chạy” vẫn còn. Có biện pháp căn cơ nào nhằm xóa tình trạng “chạy” vào trường điểm?
- Vấn đề giải quyết hiện tượng học sinh (HS) xin vào các trường trọng điểm ở các quận trung tâm TP, về phía ngành giáo dục, biện pháp cơ bản nhất là tạo ra chất lượng giáo dục đồng đều giữa các địa bàn, bảo đảm các điều kiện học tập giữa các trường; bên cạnh đó còn có biện pháp thông tin và tư vấn để phụ huynh và HS vào các trường phù hợp với HS.
. Liệu mục tiêu của trường trọng điểm có bị chệch hướng không khi người ta thấy HS vào học các trường này phần lớn đều thuộc thành phần kinh tế khá giả?
- Chuẩn tuyển sinh vào các trường là chuẩn về điểm số, trình độ học lực, không có chuẩn về thành phần kinh tế. Thực tế, thành phần gia đình của HS ở các trường như nhau, dù trường ấy là trường điểm hay không.
. Để xóa hiện tượng chạy vào trường điểm, nên xóa những “đặc quyền” của trường điểm như chỉ tuyển HS giỏi, được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... Ông nghĩ sao?
- Như đã nói trên, nâng cao chất lượng đồng đều bao gồm cả việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong thực tế đã có một giai đoạn khá dài, đầu tư vào lãnh vực này quá giới hạn nên ngành phải tập trung vào một số trường điểm, nhưng hiện nay tình hình đã khác, trường lớp không những không còn ca 3, ca 4 mà phấn đấu nhà trường học 2 buổi/ngày (1 ca), trường lớp khang trang không chỉ ở nội thành mà ở quận ven, ngoại thành như quận 7, quận 8, huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè... Về trang thiết bị không còn tình trạng chờ cơ sở xin mới cho mà thực hiện một cơ chế phân bổ đồng đều theo yêu cầu thay sách giáo khoa, giáo viên ở mọi nhà trường đều được tập huấn, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo như nhau.
Về điểm tuyển (các bạn gọi là “đặc quyền” của trường điểm để chọn HS giỏi) thì các trường lệ thuộc vào số lượng HS xin vào. Trường nào có số HS xin vào đông sẽ đẩy điểm chuẩn của trường ấy lên cao.
Từ Nguyên Thạch thực hiện
Kỳ tới: Ý kiến của tiến sĩ giáo dục Dương Thiệu Tống
Bình luận (0)