Chúng tôi đến ĐH Fulbright Việt Nam (Fulbright) sau 3 tháng trường khai giảng khóa đầu tiên. Phạm Nguyễn Đan Tâm, một trong 54 sinh viên (SV) đầu tiên trúng tuyển, vẫn chưa hết ngạc nhiên về những gì mình trải qua trong kỳ tuyển sinh vào Fulbright và tháng ngày học tập lạ lùng tại trường ĐH duy nhất trên thế giới mang tên Fulbright (J.William Fulbright - người tác động lớn tới chương trình trao đổi quốc tế Fulbright trên toàn thế giới).
Tuyển sinh "độc, lạ"
Vượt qua hàng ngàn học sinh xuất sắc lớp 12 cả nước, Đan Tâm - Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình) - đã trúng tuyển vào Fulbright. Tâm kể sau khi trúng tuyển vòng hồ sơ (bài luận bằng tiếng Anh, đoạn ghi âm trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh, một tác phẩm hoặc sản phẩm do thí sinh thực hiện), thí sinh được tập trung về TP HCM để thi tuyển. Thật bất ngờ khi thí sinh được yêu cầu… gấp máy bay bằng giấy theo nhóm và máy bay phải bay được 3 m. "Gấp máy bay tưởng dễ nhưng để phối hợp nhóm đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khiến tụi em toát mồ hôi và trải qua rất nhiều cảm xúc" - Tâm nhớ lại.
TS Đinh Vũ Trang Ngân trao đổi với sinh viên khóa Đồng kiến tạo của Fulbright Ảnh: Bảo Lâm
Theo TS Đinh Vũ Trang Ngân, Giám đốc Chương trình ĐH - Fulbright Việt Nam, có rất nhiều bài học qua việc gấp máy bay theo nhóm: Không thể tự mình làm được mà cần sự chia sẻ; để máy bay bay được thì đầu phải nhọn nhưng lại không quá nhọn vì gây nguy hiểm; không dễ làm ngay được mà phải làm đi làm lại, đó là bài học về sự thất bại…
Bà Bùi Việt Lâm - Giám đốc truyền thông Fulbright Việt Nam, thành viên hội đồng tuyển sinh - nhìn nhận qua việc gấp máy bay có thể thấy được phẩm chất của thí sinh như sự kiên trì, tính cẩn trọng, khả năng sáng tạo, làm việc nhóm... "Chỉ với việc gấp máy bay, chúng tôi đã bước đầu đánh giá được tố chất của từng thí sinh và Fulbright chọn những em cá tính nhất" - bà tiết lộ.
Phương Nhi - cựu học sinh Trường THPT Năng khiếu - ĐHQG TP HCM, trúng tuyển vào Fulbright - cho biết sau phần thi gấp máy bay, thí sinh phải trải qua phần thi thiết kế không gian cho trường ĐH rồi trình bày ý tưởng trước các "nhà đầu tư" về tính khả thi… "Em nhận thấy với Fulbright, điểm số bậc phổ thông không quá quan trọng. Em trúng tuyển vì phù hợp với cách thức đào tạo đặc biệt của trường này" - Nhi nhìn nhận.
54 SV đầu tiên được chọn lựa kỹ lưỡng suốt kỳ tuyển sinh kéo dài hơn 5 tháng là những nhân tố đầu tiên bước vào khóa Đồng kiến tạo - khóa học nền móng xây dựng ngôi trường được chính phủ Mỹ và Việt Nam kỳ vọng trở thành ĐH hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà của cả châu Á.
"Phiên bản iPhone"
TS Đinh Vũ Trang Ngân cho biết hạt mầm ý tưởng đầu tiên của Fulbright được cựu chiến binh Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ tín thác Sáng kiến ĐH Việt Nam, gieo từ hơn 10 năm trước về việc xây dựng một ĐH cực tốt ở Việt Nam với tinh thần khai phóng, không giới hạn. Trung Quốc có ĐH Thanh Hoa, Singapore có ĐH Quốc gia Singapore thì Việt Nam phải có một ĐH tầm cỡ như thế. Qua thời gian, hạt mầm đó được 2 chính phủ Mỹ và Việt Nam tưới tẩm thành ĐH Fulbright Việt Nam.
Khác các ĐH trên thế giới - như ĐH Harvard (Mỹ), theo đuổi một mô hình sẵn có cả trăm năm, rất khó thay đổi - những người kiến tạo Fulbright muốn xây dựng một mô hình khác biệt, giống như một công ty công nghệ. Tinh thần công nghệ là liên tục đổi mới, bản sau bao giờ cũng khác bản trước. Ở công ty công nghệ, không phải giảng viên hay SV mà người dùng mới là trung tâm, đi vào trái tim người dùng. Tinh thần đồng kiến tạo là kết hợp giữa giáo dục khai phóng và đổi mới liên tục của công nghệ.
"Chính vì vậy, chúng tôi không chú trọng tuyển học sinh có điểm số giỏi, xuất sắc hay đoạt giải quốc gia, quốc tế mà tìm kiếm những em có tinh thần sáng tạo, khai phá, dũng cảm và có chút liều lĩnh. 54 SV đầu tiên như đang thử sáng tạo chiếc iPhone phiên bản đầu tiên. Để ra phiên bản tốt nhất theo đánh giá của người dùng thì phải thử hàng ngàn bản. 54 SV này sẽ cùng đồng kiến tạo để xây dựng chương trình dạy học của Fulbright" - TS Ngân lý giải.
Có mặt tại khuôn viên Fulbright, chúng tôi tưởng như đang ở một công ty khởi nghiệp. Mọi người đi lại tấp nập và không phân biệt được ai là thầy, ai là trò. Nhiều nhóm ngồi trao đổi, bàn bạc sôi nổi…
Theo Lê Thị Nga My, SV khóa Đồng kiến tạo, điều thú vị là SV thường không biết ngày mai vào lớp giảng viên sẽ làm gì. "Có hôm giảng viên mua sô-cô-la cho SV cân bằng phản ứng hóa học tạo nên hiệu ứng nhà kính, có hôm chơi ma sói để suy nghĩ về cách xã hội vận hành, hôm thì thực hành cắt bánh bông lan để tranh luận về sự công bằng và bình đẳng, hôm lại phải giải hiện trường một vụ án để hình dung phương pháp nghiên cứu khoa học... Thường thì SV học theo module kéo dài 3-4 tuần, sau đó phải làm việc nhóm để cho ra sản phẩm" - My kể.
Điều khác lạ là tại Fulbright, SV được khuyến khích… thử làm thầy. Chẳng hạn, SV được yêu cầu thiết kế một tiết học 3 giờ với chủ đề về Việt Nam. Nga My cho biết: "Lớp chia thành từng nhóm 6-7 người làm các chủ đề truyện cổ tích, âm nhạc, rượu truyền thống, bánh trôi nước… để "dạy" cho các giảng viên, nhân viên người nước ngoài một cách chân thực, sống động nhất".
Khai phá suốt đời
SV Fulbright luôn hào hứng về sự "phá vỡ giới hạn giáo dục" mà những thầy cô xuất sắc đến từ các ĐH hàng đầu thế giới "trao quyền" cho mình. TS Ngân lý giải "phá vỡ" ở đây không có nghĩa là phá đi những gì đang có để làm lại mà là nghĩ cách để làm tốt hơn và để làm tốt hơn thì phải thử.
Ví dụ ở Việt Nam, tư duy học ngành nào phải làm ngành đó là sự trói buộc nên Fulbright không có khái niệm phân ngành cố định. SV có thể chọn một lĩnh vực mình yêu thích và theo đuổi trong những năm học cuối cùng nhưng để đến đích, các em có thể thử các lĩnh vực khác. SV đam mê chế tạo robot vẫn được nuôi dưỡng đam mê về trí tuệ nhân tạo nhưng có thể thử nghiên cứu về văn học cổ điển, lịch sử, âm nhạc, phim. Đây chính là sự "cởi trói" của Fulbright về ngành học để khai phá tận cùng khả năng con người.
Bởi trường ĐH như công ty công nghệ nên thầy là chuyên gia thế hệ của thầy, còn trò là chuyên gia thế hệ của trò. Quan hệ thầy - trò của Fulbright theo đó như quan hệ đồng nghiệp, thầy phải học hằng ngày và phụ thuộc vào trò để xây dựng chương trình đi vào "trái tim người dùng". Đây cũng là một sự phá vỡ.
TS Ngân cho biết: "Thực tế, SV Fulbright đều rất xuất sắc nhưng luôn có ý nghĩ là mình chưa đủ giỏi. Chúng tôi không quá kỳ vọng đào tạo ra những người lãnh đạo hay chuyên gia xuất sắc mà mong rằng SV tốt nghiệp Fulbright sẽ là những người hạnh phúc trong lĩnh vực mà họ đã trải qua quá trình đeo đuổi và có tinh thần khai phá suốt đời".
Đánh giá về những bước đi đầu tiên của Fulbright, TS Kim Bottomly, Chủ tịch Hội đồng Tín thác Fulbright Việt Nam, cho biết điều thú vị là những thành viên sáng lập thực sự không mặn mà với việc xây dựng một trường ĐH nguyên mẫu của ĐH nào đó ở Mỹ cho dù đó là hệ thống giáo dục tuyệt vời. Điều họ trăn trở là tìm cách đổi mới và sáng tạo những trải nghiệm giáo dục tốt nhất trong khả năng cho SV Việt Nam".
- Năm 2013: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đến sáng kiến ĐH Fulbright trong Tuyên bố chung.
- Năm 2014: Quốc hội
Mỹ thông qua khoản ngân sách sáng lập một trường ĐH Việt Nam theo mô hình giáo dục khai phóng
của Mỹ.
- Năm 2015: UBND TP HCM cấp 15 ha đất xây dựng ĐH Fulbright tại Khu Công nghệ cao TP HCM.
- Năm 2016: Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép thành lập ĐH Fulbright.
- Năm 2017: Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép hoạt động giáo dục cho ĐH Fulbright.
- Năm 2018: Tuyển sinh và khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 10-9.
Bình luận (0)