xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phải cải cách thi tốt nghiệp THPT

TS Nguyễn Văn Tuấn

Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về tuyển sinh. Đây là vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều người muốn bỏ kỳ thi tuyển ĐH, và sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH. Đây là một hướng đi hợp lý, nhưng có lẽ chưa thực tế ở nước ta, bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa phản ánh đúng trình độ của thí sinh. Cần phải có một cuộc cải cách về thi tốt nghiệp THPT

Ở nước ta, cũng như một số nước khác, vẫn tồn tại hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH. Ở nước ngoài, như Úc chẳng hạn, chỉ có một kì thi tốt nghiệp THPT và các ĐH dựa vào kết quả (điểm) kỳ thi này để tuyển sinh theo các tiêu chuẩn đã định trước. Phương án một kỳ thi này được đánh giá có hiệu quả cao qua việc tiết kiệm ngân sách nhà nước và sức lực của học sinh có thể dành để tập trung vào học ĐH và sau ĐH. Nhưng ở nước ta, tôi e rằng phương án một kỳ thi có thể chưa thực hiện được, vì có sự sai biệt quá lớn về kết quả thi tốt nghiệp ĐH và tuyển sinh ĐH.

Chúng ta thi cái gì?

Nội dung thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH ở nước ta mang tính thách đố hơn là kiểm tra trình độ của học sinh. Mấy mươi năm qua, đề thi cho mỗi môn học chẳng có gì thay đổi đáng kể: vẫn chỉ trên dưới 10 câu hỏi và câu hỏi này tập trung vào chương trình lớp 12, có khi là những câu hỏi khá hóc búa, thiếu tính thực tế, thậm chí đi ra ngoài chương trình học. Chẳng hạn như đề thi môn toán chỉ bao gồm vỏn vẹn 10 câu hỏi (nếu tính các câu hỏi phụ), và nội dung không phản ánh toàn bộ chương trình THPT. Bởi vì đề thi chỉ tập trung vào lớp 11 hay 12, nên tạo cơ hội cho thói quen học tủ và vì học tủ, nên không phản ánh khả năng thực học của học sinh.

Xin nói thêm một chút như là một ghi chú rằng ở Úc, một đề thi (có thể tham khảo ở trang web của Bộ giáo dục bang NSW) tốt nghiệp THPT thường trên dưới 40 câu hỏi từ dễ đến khó. “Dễ” và “khó” ở đây hiểu theo nghĩa kiểm tra toàn bộ kiến thức của học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Chẳng hạn như đề thi môn toán năm 2007 cho các học sinh theo học môn toán khối I (tức trung bình), bao gồm cả những câu hỏi ở trình độ lớp 9, nhưng lần lượt dẫn dắt học sinh đến các chủ đề cao hơn ở lớp 11 và 12 như ứng dạng đạo hàm và tích phân. Với một đề thi như thế, kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Úc phản ánh khá chính xác trình độ của học sinh, bởi vì một học sinh có điểm tốt ắt phải có điểm tốt toàn diện của môn học, chứ không chỉ vài câu hỏi mang tính ngẫu nhiên và thách đố.

Hệ quả của cách soạn đề thi tốt nghiệp THPT (hay thi tuyển sinh ĐH) theo kiểu ở nước ta là sự phân phối điểm thi lệch hẳn về những học sinh khá. Trong cuốn Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại (NXB Trẻ, 2003), tiến sĩ Dương Thiệu Tống phân tích cho thấy điểm trung bình của học sinh thi tuyển vào ĐH còn rất thấp, chỉ khoảng 8,3 đến 8,4 (trên số điểm tối đa 30). Đáng quan tâm hơn, khoảng 87% thí sinh có điểm thi dưới 15. Nói cách khác, chỉ có 13% học sinh có điểm trên trung bình!

Điểm thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH cũng không tương quan với khả năng học của học sinh. Với môn toán, phân tích trên 1.280 học sinh cho thấy hệ số tương quan giữa điểm tốt nghiệp THPT 12 và điểm thi tuyển sinh ĐH là 0,17; giữa điểm tốt nghiệp lớp 12 và điểm lúc cuối chương trình ĐH là 0,09; và giữa điểm thi tuyển sinh ĐH và điểm lúc cuối chương trình ĐH là 0,19. Nói cách khác, điểm thi tốt nghiệp THPT không phải là yếu tố tiên đoán cho điểm thi tuyển ĐH và càng không có liên hệ gì đáng kể với điểm học trong năm cuối của chương trình ĐH. Nói cụ thể hơn, các học sinh có điểm thấp khi tốt nghiệp THPT khi đi thi ĐH và khi tốt nghiệp ĐH vẫn có điểm cao; ngược lại, phần đông các học sinh có điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là những sinh viên có điểm cao khi học ĐH.

Có nhiều cách diễn dịch con số thống kê trên, nhưng trong những diễn dịch đó, có thể (a) điểm thi tú tài không phân biệt được khả năng của người sinh viên lúc theo học ĐH; hoặc (b) đề thi tú tài không ăn khớp với nhu cầu khoa bảng ở bậc ĐH; hoặc (c) số phận của sinh viên, kiểu như “học tài thi phận.” Tôi không tin ở số phận, nhưng với thực tế vừa trình bày trên, tôi thiên về (a) và (b), tức là hệ thống thi cử hiện nay không phản ánh trung thực trình độ và tiềm năng của học sinh. Nói cụ thể hơn, điểm thi tốt nghiệp THPT (và thi tuyển vào ĐH) hiện nay không thể dùng làm chuẩn để tuyển chọn sinh viên.

Phải bắt đầu từ sách giáo khoa

Từ thực tế trên, vấn đề chất lượng giáo dục có lẽ phải bắt đầu từ sách giáo khoa, mà hiện nay đã có người nói là “không giống ai”. Cần phải soạn lại chương trình giáo khoa bậc THPT sao cho đáp ứng được sự khác biệt về khả năng của các học sinh. Chẳng hạn như chương trình toán cần phải được thiết kế lại với nhiều bậc. Bậc 1 dành cho các em có khả năng trung bình về toán, những học sinh có thể xử lý các vấn đề toán căn bản (như đại số, phương trình bậc hai, tích phân và xác suất cơ bản...); bậc 2 dành cho các em có khả năng trên trung bình (như ứng dụng lý thuyết tích phân vào các vấn đề vật lý); và bậc 3 dành cho các em chuyên toán, những học sinh có ý định học các ngành đòi hỏi khả năng toán cao cấp. Cách soạn chương trình học này chẳng những tạo cơ hội cho học sinh thực hiện tiềm năng thích hợp của mình, mà còn chuẩn bị cho học sinh một ngành học ĐH mà các em thấy hợp với năng khiếu của mình.

Ai cũng biết trong thực tế học sinh khác nhau về năng khiếu giữa các môn học. Có học sinh giỏi về toán nhưng kém về sinh học; có học sinh khá về hóa học nhưng không có năng khiếu về toán. Ngay cả trong một môn, như môn toán chẳng hạn, có học sinh khá về lý thuyết nhưng kém về việc ứng dụng, nhưng có học sinh giỏi trong việc ứng dụng toán mà kém các chủ đề mang tính lý thuyết, và cũng có người giỏi cả hai mặt lý thuyết và ứng dụng. Và, khả năng của các học sinh, dù lý thuyết hay ứng dụng, cần phải được ghi nhận qua việc thi cử. Vì thế, một đề thi lý tưởng cần phải phản ánh những thực tế này.

Do đó, cần phải xem xét việc soạn đề thi với nội dung nhằm kiểm tra kiến thức của toàn bộ chương trình học THPT, chứ không nên chỉ tập trung vào chương trình lớp 12. Thật là khó tưởng tượng nổi cả chương trình THPT có thể tóm gọn trong 6 câu hỏi! Chẳng hạn như trong môn toán, ngoài những câu kiểm tra trình độ căn bản về đại số và phương trình / bất phương trình (trình độ lớp 9 hay lớp 10), cần phải có những câu hỏi về lý thuyết và ứng dụng của lượng giác, đạo hàm, tích phân, và xác suất. Phương thức soạn đề thi như đề nghị có thể phản ánh chính xác hơn tiềm năng và khả năng của học sinh.

Nói tóm lại, tôi thấy nếu điểm thi tốt nghiệp THPT phản ánh khả năng của học sinh một cách chính xác, thì kỳ thi tuyển sinh ĐH sẽ không cần thiết. Nhưng vấn đề chính hiện nay là điểm thi tốt nghiệp THPT, thậm chí điểm thi tuyển sinh ĐH, không phản ánh đúng khả năng của học sinh và cũng chẳng có tương quan gì đến khả năng học ĐH. Do đó, cần phải dành ưu tiên cho việc cải cách và chấn chỉnh lại nội dung chương trình THPT và nội dung đề thi sao cho phản ánh trung thực hơn khả năng và tiềm năng của học sinh. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ chẳng những tiết kiệm ngân sách Nhà nước mà còn giảm những căng thẳng (không cần thiết) cho học sinh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo