“Những vấn đề lớn mà nền giáo dục phải làm và đạt được trong vòng 10 năm ngắn ngủi là gì, dự thảo không nêu rõ. Còn những gì đã nêu thì dù đến năm 2030, 2040 tôi nghĩ cũng chưa chắc thực hiện được”. TS Nguyễn Can, Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nói về sự mờ nhạt, thiếu thực tế của dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020, tại tọa đàm góp ý cho dự thảo trên do Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức sáng 14-1, tại TPHCM.
|
Dự thảo trên nền tư duy cũ
“Đây không phải là chiến lược phát triển giáo dục”- TS Nguyễn Can nói. Theo TS Nguyễn Can, đã là chiến lược thì phải nêu được chính xác thực trạng nền giáo dục hiện nay. “Học sinh đang bị “hành hạ” khi phải học suốt ngày suốt đêm, không có thời gian nghỉ ngơi, thể chất không lớn nổi mà tinh thần thì không sáng tạo. Làm sao để cho học sinh học ít lại, có tuổi thơ là điều ý nghĩa nhất, lại không thấy đề cập tới”- TS Nguyễn Can bức xúc. Do vậy, chiến lược phát triển giáo dục phải nêu được cách giải phóng học sinh thoát khỏi áp lực “học như ở tù” hiện nay. Cùng quan điểm, GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho rằng các môn học trong nhà trường, cụ thể là môn toán, như thể đang đào tạo học trò thành những nhà toán học, còn môn tiếng Việt, như dành cho các nhà ngôn ngữ học. “Phương pháp giảng dạy hiện nay không thể khuyến khích tư duy sáng tạo của học trò, thế nhưng biện pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này thế nào thì chiến lược không nêu rõ”- GS Phạm Phụ nói.
GS-TS Bùi Khánh Thế, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, cũng cho rằng chiến lược phát triển giáo dục được xây dựng trên nền tư duy cũ, chưa nhận định rõ tình hình giáo dục hiện tại, do đó chưa nêu được các biện pháp thiết thực. “Cần phải có giải pháp tình thế để giải quyết những vấn đề hiện tại rồi mới tính đến chiến lược lâu dài. Không thể vội vàng, đi tắt, đón đầu, đòi hỏi phải ngang bằng trình độ với nước này nước nọ mà không nhìn thấy thực trạng nền giáo dục của ta”- GS-TS Bùi Khánh Thế bày tỏ. GS Phạm Phụ cũng cho rằng đã là chiến lược thì phải xác định được nền giáo dục của chúng ta đang ở đâu, sẽ đi đâu và làm thế nào để đi đến đó.
Cần có ủy ban cải cách giáo dục
Rất nhiều chuyên gia đầu ngành và tâm huyết với giáo dục nước nhà cho rằng các mục tiêu, giải pháp mà chiến lược đưa ra rất mờ nhạt, thiếu tính cụ thể. “Mục tiêu, giải pháp nêu ra trong dự thảo chiến lược đều không rõ ràng và là cách làm của mấy chục năm trước”- PGS-TS Lê Ngọc Trà, Viện Nghiên cứu giáo dục, nói. GS Phạm Phụ cho rằng khi nói tăng cường đội ngũ, chất lượng giảng viên chẳng hạn, thì phải cho biết làm như thế nào để đạt được điều đó. Một giải pháp nêu trong chiến lược là chậm nhất đến năm 2015 sẽ áp dụng trên toàn quốc, bắt đầu từ lớp 1, chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo TS Nguyễn Can, điều này có nghĩa là phải làm lại chương trình giáo dục mới, thời gian từ đây đến đó đã cận kề nhưng chiến lược lại không thấy nói phải làm như thế nào để đạt được mục đích này.
PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng các mục tiêu như mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất thì thời điểm nào cũng đúng, nước nào cũng phải làm như thế. Chiến lược phải xuất phát từ tư tưởng chỉ đạo lớn, phải đưa ra mục tiêu, giải pháp cụ thể, năm sau phải hơn năm trước... “Phải làm lại chiến lược giáo dục, trong đó thể hiện rõ sự phát triển từ nay đến năm 2020 cụ thể là như thế nào. Mười năm là cả một thế hệ học trò từ lớp 1 đến lớp 10, do đó phải bắt đầu làm từ sớm, chứ không phải lai rai từ năm này sang năm khác như hiện nay”- PGS-TS Lê Ngọc Trà đề nghị. Cũng theo PGS-TS Trà, cần phải lập một ủy ban cải cách giáo dục độc lập, bao gồm những chuyên gia, những người am hiểu về giáo dục để xây dựng chiến lược nhằm đạt được yêu cầu, mong muốn của cả một nền giáo dục và phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Bộ nên mạnh dạn phân cấp quản lý TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng quan điểm chiến lược nêu trong dự thảo chưa thể hiện được thực chất của một nền giáo dục mà vẫn còn mang ý tưởng chủ quan. Chiến lược phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tế. Ông cũng đưa ra các giải pháp về đổi mới vấn đề quản lý. Trong đó ông đề nghị Bộ GD-ĐT mạnh dạn phân cấp trong quản lý. “Địa phương, cơ sở làm được thì bộ nên giao cho địa phương, cơ sở, ví dụ như việc tuyển sinh ĐH. Bộ không cần thiết phải làm thay mà nên đóng vai trò hoạch định chiến lược, đặt ra những quy chế, tiêu chuẩn, tổ chức giám sát và xử lý cơ sở giáo dục... |
Bình luận (0)