Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cuối tuần qua là hạn cuối các địa phương gửi phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 về bộ.
Thí sinh hưởng lợi
PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức cụm thi, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia năm 2016 quy định: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT và với trường ĐH, CĐ khác (gọi tắt là cụm thi ĐH). Ngoài ra, còn một cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH, CĐ (gọi tắt là cụm thi tốt nghiệp).
Đây được xem là phương án tối ưu, tạo thuận lợi cho thí sinh bớt tốn kém và không phải đi xa. Bộ GD-ĐT không can thiệp vào quyết định tổ chức cụm thi của các địa phương.
Do năm nay lượng học sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT khá đông, đặc biệt là ở những tỉnh khó khăn, nên nhiều địa phương chọn phương án tổ chức 2 cụm thi. Tại tỉnh Hà Giang, kỳ thi THPT quốc gia 2016 có đến 4.900 thí sinh trên tổng số 6.700 thí sinh thi để xét tốt nghiệp (chiếm 73%); số còn lại vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH, CĐ.
Theo ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, việc thí sinh thi theo cụm ngay tại địa phương sẽ hạn chế việc di chuyển cũng như giảm bớt khó khăn cho các em. Mỗi huyện, thành phố của Hà Giang sẽ đặt một điểm thi; huyện nào có nhiều trường THPT thì tổ chức 2 điểm và dự kiến cả tỉnh sẽ có khoảng 14 điểm thi.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, cũng cho hay tỉnh sẽ tổ chức 2 cụm thi. Theo báo cáo ban đầu, 60% học sinh của tỉnh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp. Một số tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Tây Ninh cũng lên phương án tổ chức 2 cụm thi.
Kinh phí tổ chức thi sẽ tăng
Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT phân tích những địa phương địa bàn rộng nếu chỉ tổ chức 1 cụm thi sẽ không thuận lợi cho thí sinh nhưng những địa phương nhỏ nếu tổ chức 2 cụm thi là không cần thiết.
Bộ GD-ĐT cũng đã dự báo được những khó khăn, thách thức mà các địa phương sẽ phải đối mặt khi mỗi tỉnh, thành đều tổ chức cụm thi. Trước hết là áp lực lớn cho các địa phương khi phải tăng cường đơn vị tổ chức và cán bộ coi thi. Với phương thức tổ chức như năm nay, kinh phí để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ tăng lên nhiều.
Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cũng lo ngại về tính công bằng, nghiêm túc ở các cụm thi địa phương. Với việc để các sở GD-ĐT chủ trì cụm thi tốt nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng sẽ không đủ tin cậy để bảo đảm chất lượng kỳ thi.
Để giải tỏa những lo lắng này, Bộ GD-ĐT cho hay đã chỉ đạo các hội đồng thi phải thực hiện đúng quy chế. Công tác thanh - kiểm tra sẽ được thực hiện rộng, toàn diện, thực chất hơn để làm sao kết quả của kỳ thi phải đúng với năng lực học tập của thí sinh.
Bình luận (0)