Ngày 24-12, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, ông Vũ Đình Chuẩn, đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT; các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc trường đại học.
Gỡ bỏ tài liệu có “đường lưỡi bò”
Ông Vũ Đình Chuẩn nêu rõ trong sách Tin học dành cho trung học cơ sở quyển 2 được biên soạn từ năm 2007 có bài “Học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer” với thời lượng 4 tiết học. Phiên bản dùng thử và miễn phí của phần mềm Earth Explorer được hướng dẫn sử dụng trong cuốn sách này như một ví dụ minh họa để học sinh rèn luyện kỹ năng khai thác, sử dụng phần mềm máy tính trong học tập. Tuy nhiên trong phần mềm Earth Explorer có “đường lưỡi bò”. Vì vậy, từ năm 2013, sách Tin học dành cho trung học cơ sở quyển 2 không còn bài “Học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer”.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị không dạy bài “Học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer” nếu vẫn sử dụng sách Tin học dành cho trung học cơ sở quyển 2 cũ.
“Nhận được công văn này, Bộ GD-ĐT đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện ngay. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần thông tin kịp thời về Bộ GD-ĐT, qua Vụ Giáo dục trung học để được hướng dẫn giải quyết” - ông Chuẩn nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, Sở GD-ĐT TP HCM đã có công văn gửi phòng GD-ĐT các quận, huyện chỉ đạo các trường THCS gỡ bỏ tài liệu có liên quan đến “đường lưỡi bò” trong chương trình tin học tự chọn cấp THCS.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết văn bản trên nhằm tạo sự thống nhất giữa các trường trên địa bàn TP. Báo cáo của các phòng GD-ĐT quận, huyện gửi sở cho biết đã không còn dạy bài này nữa.
Phải xử lý cách làm vô ý thức!
Trước đó, nhiều bạn đọc đã phát hiện trong chương trình tin học lớp 7, bài “Học địa lý thế giới với phần mềm Earth Explorer”, học sinh vừa mở phần mềm Earth Explorer đã xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” khi quan sát và làm bài tập về đường biên giới các nước. Hiện các trường sử dụng phiên bản 3.5-5.0 và cả 2 phiên bản đều có hình “đường lưỡi bò”.
“Tác giả” cung cấp phần mềm Earth Explorer là ông Bùi Việt Hà, Giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường - School@net, còn bản quyền phần mềm thuộc Công ty Motherplanet (trụ sở chính ở Thượng Hải - Trung Quốc) phát hành miễn phí trên mạng internet.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ - cho biết đã theo dõi chặt vấn đề này và hoan nghênh Bộ GD-ĐT yêu cầu dừng sử dụng phần mềm Earth Explorer.
Tuy nhiên, ông Trục phê phán: “Rõ ràng bộ rất bị động vì đã để sử dụng phần mềm này trong suốt thời gian dài. Cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này phải được làm rõ, tìm ra nguyên nhân và cơ quan quản lý để lọt một cách vô ý thức”.
Theo TS Trần Công Trục, việc Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để khẳng định yêu sách về “đường lưỡi bò” hết sức phi lý đã diễn ra từ lâu, không phải chỉ có phần mềm giáo dục. Âm mưu tranh thủ trong mọi vấn đề, sản phẩm để bộc lộ yêu sách phi lý từ phía Trung Quốc có mục đích rõ ràng và có lợi cho họ. “Đây không chỉ là lỗi đáng tiếc mà là một sai lầm hết sức trầm trọng. Cơ quan quản lý lĩnh vực này cần đề xuất hướng xử lý sai phạm một cách nghiêm túc. Bởi như vậy chẳng khác nào chúng ta đã gián tiếp thừa nhận những yêu sách của Trung Quốc trong khi đất nước đang đấu tranh chống lại những luận điệu yêu sách sai trái của họ nhưng lại đưa vào sản phẩm giáo dục trẻ em Việt Nam yêu sách này” - ông Trục đề nghị.
Bình luận (0)