Nghị định 73/2015 quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các trường ĐH sẽ được xếp theo 3 tầng, 3 hạng.
Hai năm xếp hạng một lần
Cụ thể, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được phân thành 3 tầng gồm các trường định hướng nghiên cứu, các trường định hướng ứng dụng và các trường định hướng thực hành. Tất cả cơ sở giáo dục ĐH trong mỗi tầng tùy theo chất lượng sẽ được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp gồm hạng 1, hạng 2, hạng 3.
Khung xếp hạng được xác định theo điểm với cơ cấu: hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục ĐH có điểm cao nhất; hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục ĐH có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục ĐH không thuộc hạng 1 và 3. Cũng theo nghị định này, các tiêu chuẩn xếp hạng gồm: Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Việc phân tầng cơ sở giáo dục ĐH được thực hiện theo chu kỳ 10 năm. Xếp hạng được thực hiện theo chu kỳ 2 năm. Các cơ sở giáo dục ĐH tiến hành tự đánh giá theo tiêu chuẩn phân tầng và xếp hạng theo các tiêu chí đã được công bố, lập báo cáo tự đánh giá và công bố trên trang thông tin của mình. Đăng ký thực hiện phân tầng, xếp hạng với tổ chức khó khăn vì thiếu định hướng
Đề cập đến việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga từng cho rằng việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH sẽ giúp đặt ra những mục tiêu xếp hạng và phát triển hệ thống giáo dục ĐH một cách rõ ràng. Hiện nay, các trường ĐH ở nước ta chưa có sự phân tầng một cách rõ ràng. Những trường nghiên cứu thì không đi sâu nghiên cứu; những trường ứng dụng thì thiếu kỹ năng thực hành, dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp thường bị chê là thiếu kỹ năng, không có chuyên môn sâu. Việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH sẽ định hướng được mục tiêu nghiên cứu, phát triển dài hạn cho các trường. Nhà nước cũng sẽ có cơ sở để tập trung đầu tư cho từng loại trường để trong tương lai có những trường ĐH đạt được thứ hạng cao trên thế giới. Đồng thời, giúp cho việc quy hoạch, đào tạo cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một chuyên gia của ĐHQG Hà Nội cho rằng việc xếp hạng các trường trong từng tầng cũng là điều cần thiết bởi nhìn vào bảng xếp hạng, xã hội, các nhà tuyển dụng sẽ biết trường ĐH đó có chất lượng ra sao, sản phẩm đào tạo như thế nào, từ đó trở thành động lực cho các trường phấn đấu. Tuy nhiên, việc hướng dẫn cách tính điểm cho mỗi chỉ số của các tiêu chí theo tiêu chuẩn xếp hạng phải được Bộ GD-ĐT thực hiện một cách cụ thể, công bằng, khách quan. “Tôi e là việc triển khai phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH sẽ gặp nhiều khó khăn vì nhiều trường ĐH vẫn chưa có định hướng đào tạo rõ ràng. Các trường đào tạo nghiên cứu và ứng dụng lẫn nhau nên khó có thể xếp vào tầng nào. Một ví dụ điển hình như ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên rõ ràng là trường nghiên cứu nhưng Trường ĐH Ngoại ngữ thì lại là trường thực hành, vậy xếp hạng thế nào đây? ” - chuyên gia này đặt vấn đề.
Phải có một tổ chức kiểm định độc lập
PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, nhấn mạnh điều cốt yếu nhất của việc phân tầng, xếp hạng trường ĐH là phải có một tổ chức độc lập đủ khả năng và uy tín. “Việc phân tầng, xếp hạng cần theo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch, chính xác. Nếu không bảo đảm được những yếu tố này thì phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH sẽ không có ý nghĩa. Đó thực sự là một công việc rất khó khăn bởi thực tế hiện nay, hơn 470 trường ĐH, CĐ trên cả nước đang đào tạo chồng chéo, lẫn lộn giữa nghiên cứu - thực hành và ứng dụng. Để có một bảng xếp hạng chính xác các trường ĐH với nhiều tiêu chí cụ thể sẽ phải làm một lượng công việc đồ sộ. Bộ GD-ĐT cần tính toán, chia thành các giai đoạn cụ thể” - PGS Thắng nói.
Đồng quan điểm với PGS Thắng, một chuyên gia của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng để phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ một cách khách quan và công bằng, khiến các trường có thể “tâm phục, khẩu phục” cần có một cơ quan độc lập ngoài ngành giáo dục chứ không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay bộ này sẽ lựa chọn các tổ chức kiểm định định chất lượng giáo dục có năng lực, kinh nghiệm và uy tín trong xã hội để giao nhiệm vụ phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Trên cơ sở kết quả của cơ quan, tổ chức độc lập đó, bộ sẽ thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Bình luận (0)