Đài ABC News hôm 14-12 vừa đăng phóng sự về sự phân biệt đối xử của các trường tốp trên ở Mỹ đối với sinh viên gốc Châu Á, trong đó có người Việt.
Ben Huỳnh, một sinh viên người Mỹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Chicago, đạt điểm số hoàn hảo 2400/2400, trong kỳ thi chuẩn hóa xét tuyển ĐH (SAT), có khả năng lãnh đạo, say mê âm nhạc… Cậu sở hữu các tố chất đáp ứng tiêu chuẩn của các trường ĐH tốp đầu ở Mỹ. Với bảng thành tích xuất sắc, ai cũng mong chờ Ben đậu vào một trong những trường hàng đầu nhưng ít ai ngờ điều cậu nhận được là cái lắc đầu, kể cả ĐH Harvard danh tiếng.
Sinh viên người Mỹ gốc Việt Ben Huỳnh
Tuy nhiên, phản ứng của nam sinh gốc Việt khiến nhiều người bất ngờ. Cậu cho biết ban đầu có chút thất vọng nhưng chưa một lần đổ lỗi cho những người đã từ chối mình, thậm chí khẳng định vẫn giữ sự ngưỡng mộ, ủng hộ đối với các trường trên. Theo Ben Huỳnh, mặc dù chính sách của các trường lớn có thiếu sót nhưng chúng có vai trò cân bằng hoạt động. Ben cho rằng đây cũng chỉ là một khâu nhỏ trong quá trình nhập học đầy phức tạp và đa dạng. Sau đó, nam sinh họ Huỳnh đã đậu ĐH Chicago và hài lòng với những gì mình đang theo đuổi. Ben cho biết sẽ không làm gì thêm để thay đổi kết quả này đồng thời cũng không nhận thấy các trường phân biệt chủng tộc trong vấn đề này.
Theo ABC News, phản ứng của Huỳnh là một trong những phản ứng thường thấy của cộng đồng người Mỹ gốc Á đối với cuộc tranh cãi đang diễn ra về thực tế nhập học. Vấn đề này đang nổi lên ở Mỹ do Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra về nạn phân biệt chủng tộc trong quá trình tuyển sinh và nhập học của ĐH Harvard. Cụ thể, hồi tháng 11 vừa qua, Sở Tư pháp yêu cầu Harvard chuyển hồ sơ nhập học nhằm phục vụ công tác điều tra xem liệu trường này có vi phạm điều luật liên bang về việc "cấm phân biệt đối xử chủng tộc, màu da hay nguồn gốc quốc gia". Vụ điều tra này liên quan tới một vụ kiện cấp liên bang do nhóm sinh viên đệ đơn hồi năm 2014. Theo đó, ĐH Harvard bị cáo buộc cố ý hạn chế số lượng sinh viên đầu vào gốc Châu Á. Tuy nhiên, một số học sinh người Mỹ gốc Á nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Là một sinh viên người Mỹ gốc Hoa tại ĐH Harvard, Raymond Tang cho biết cậu hiểu rõ vai trò của các chính sách và sự lựa chọn của các trường ĐH ưu tú. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu mình rớt Harvard vì tôi dự đoán mình sẽ khó lòng vào được", ABC News dẫn lời Tang.
Raymond Tang
Một trường hợp khác là Tiffany Lau. Với điểm SAT 2340/2400, 6 huy chương quốc gia về trượt băng nghệ thuật ở Hồng Kông và nhiều thành công khác trong giới học thuật cũng như nghệ thuật, Tiffany Lau cũng là sinh viên sở hữu bảng thành tích hoàn hảo. Hiện cô gái 20 tuổi này đã là sinh viên khoa Lịch sử, Văn học và Nhà hát, Khiêu vũ và truyền thông ĐH Harvard. Lau cho hay cô tin rằng bất cứ thí sinh thuộc chủng tộc, quốc gia nào cũng cần chuẩn bị cho mình những yếu tố khác ngoài bảng điểm hoàn hảo và hồ sơ ấn tượng. Cụ thể, để đánh giá toàn diện một con người, người ta phải đánh giá các phần tạo nên bản sắc của các thí sinh. Tương tự, sinh viên Tang cũng tin rằng các trường ưu tú của Mỹ có lý do hợp lý để tuyển thí sinh này mà đánh rớt thí sinh khác.
Tiffany Lau
Ngoài những cá nhân nêu trên, nhiều người khác, vẫn giữ quan điểm lên án chính sách của các trường lớn. Michael Paik, một sinh viên cao học gốc Á tại ĐH Pennsylvania, với điểm số bài thi SAT hơn 2300 và là học sinh trong nhóm giỏi. Trong suốt thời gian đi học, anh luôn ý thức mình là người Mỹ gốc Á nên phải "truyền thống hơn" và tự tách biệt đối với những người bạn người Mỹ khác. Paik nhận định chính sách tuyển sinh của các trường ĐH tại Mỹ thời điểm này tồn tại nhiều sự bất công. Mẹ của Michelle Paik cũng luôn ý thức được "một hệ thống không công bằng" đang tồn tại, nhất là khi có 2 đứa con trai đang học ĐH và 3 đứa nữa đang phấn đấu vào. Bà Paik tâm sự: "Tôi rất sốc khi cả hai con trai đều chọn những trường tốp trên, mặc dù cả hai đứa thời phổ thông đều đứng đầu lớp". Bà Paik nói rằng không phải họ thiếu tự tin về khả năng của mình nhưng phải chấp nhận thực tế và nhận thức sâu sắc rằng mình là người Mỹ gốc Á. Bà kể, dù không muốn làm nản lòng các con nhưng phải cảnh báo chúng rằng "Con có thể có trong tay tất cả bằng cấp nhưng vì là một cậu bé châu Á, nhiều khả năng con sẽ bị từ chối". Tuy rất buồn và bất bình trước chính sách của hệ thống trường học Mỹ nhưng những người như bà Paik và các con bà chỉ biết chấp nhận nó và cố gắng hết sức mình.
Michael Paik
Trong khi đó, ĐH Harvard luôn khẳng định họ rất nỗ lực tăng hỗ trợ tài chính để đảm bảo sinh viên của họ đa dạng về kinh tế và sắc tộc. Trong năm nay, trường cho biết, hơn phân nửa sinh viên được nhận vào trường trong năm 2017 là nữ. Gần 15% sinh viên của trường là người Mỹ gốc Phi và cứ 5 sinh viên thì có hơn 1 người là gốc Châu Á.
Bình luận (0)