Cả nước có 600 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động nhưng chỉ trong năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã rà soát và dừng tới gần 200 chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu.
Liên kết với trường... không được xếp hạng
Tính đến tháng 12-2021, trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, có 282 chương trình tiến sĩ, 106 chương trình thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo đại học. Đứng đầu danh sách các quốc gia liên kết cấp bằng với Việt Nam là Vương quốc Anh (chiếm khoảng 24,7% số chương trình liên kết), Mỹ (14,5%) và Pháp (13%). Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có khoảng 192.000 sinh viên Việt Nam đang học tại nước ngoài và số lượng sinh viên quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên 10% trong 5 năm gần đây. Đây là cơ hội rất tốt để các trường mở chương trình đào tạo liên kết quốc tế.
Sinh viên một trường đại học có chương trình đào tạo liên kết quốc tế tại Hà Nội đang thực hành. Ảnh: KIM CHI
Tuy nhiên, hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đang tồn tại không ít hạn chế. Theo Bộ GD-ĐT, hạn chế đầu tiên là việc lựa chọn trường đối tác ở nước ngoài. Hiện có tới 62,71% đại học đối tác của các chương trình liên kết đào tạo không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021). Chất lượng đào tạo của các chương trình này cũng khó kiểm soát hơn so với các chương trình trong nước. Năm 2020, bộ đã phải rà soát và cho dừng tới gần 200 chương trình liên kết chưa đạt yêu cầu.
Chọn trường uy tín, được kiểm định
Tại tọa đàm "Nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế" được Viện Quản trị - Công nghệ, Trường ĐH FPT, tổ chức ngày 23-8 tại Hà Nội, GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQG Hà Nội, cho rằng liên kết đào tạo là xu thế tất yếu, là cơ hội tốt đối với các trường đại học cũng như người học.
Để nâng cao chất lượng các chương trình liên kết quốc tế, GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh rằng các trường đại học phải liên kết với những trường có thiện chí. "Những trường dù tốt nhưng không thiết tha liên kết thì cũng sẽ không hiệu quả" - GS Đức nói. Về phía người học, chuyên gia này cho rằng khi chọn chương trình liên kết, học viên phải quan tâm đến trường nước ngoài liên kết đào tạo có được khâu kiểm định chất lượng không, có xếp hạng cao hay không.
"Nếu chất lượng không tốt thì tấm bằng tốt nghiệp sẽ không có giá trị. Bằng quốc tế nhưng sinh viên không nói được tiếng Anh thì không ai tin vào chất lượng. Người học nên vào website của trường nước ngoài để xem kết quả xếp hạng và kiểm định, nếu có kết quả tốt thì là trường uy tín. Tiếp đến xem xét trường đại học ở Việt Nam, nếu 2 bên liên kết đều là những trường có uy tín thì yên tâm, còn những trường hoàn toàn mới thì phải thận trọng" - Trưởng Ban Đào tạo - ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm liên kết hơn 50 trường đại học trên thế giới, bà Đoàn Thanh Hương, Trường ĐH FPT, cho hay trường này ưu tiên lực chọn các đối tác có triết lý giáo dục và chương trình đào tạo tương đồng với FPT, có xếp hạng tốt trên thế giới, bảo đảm phải có uy tín. "Thông thường, 2 bên cần tới 2 năm để hoàn thiện các điều kiện liên kết. Phía đối tác cũng đưa ra các yêu cầu như giảng viên phải làm lãnh đạo ở các doanh nghiệp, có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, có kinh nghiệm thực tiễn về quản trị doanh nghiệp, có kinh nghiệm giảng dạy ở nước ngoài" - bà Hương cho hay…
Chuộng liên kết vì thu học phí cao!
Theo GS Nguyễn Đình Đức, xu hướng của các trường đại học hiện nay là đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế. "Các trường thích vì được thu học phí cao, vì chuẩn đào tạo theo nước ngoài. Các trường đại học hàng đầu liên kết với những đối tác uy tín thì sẽ thu hút được người học" - GS Nguyễn Đình Đức phân tích.
Chuyên gia này cũng nói thêm, các chương trình liên kết đào tạo ở những ngành ứng dụng cao sẽ rất hấp dẫn học sinh, ví dụ các ngành công nghệ thông tin, IT, logistics do những ngành này, sinh viên có chuyên môn, tiếng Anh tốt rất dễ xin việc ở các tập đoàn đa quốc gia.
Bình luận (0)